Thường ở ngoài Bắc người ta hay nói "đi xem phim" hay "xem chiếu phim". Còn trong Nam thì nói "coi chớp bóng" hay "coi chiếu bóng".
Thế nhưng khi nói tới "nghe phim" chắc nhiều người ngạc nhiên lắm phải không? Tôi xin kể 2 câu chuyện đã gặp trong đoạn đường ngắn ngủi theo nghề chiếu bóng lưu động của mình.
1. Thập niên 80 trở về trước, có khi cả tháng đội chiếu bóng lưu động của huyện mới quay về chiếu phim phục vụ nhân dân ở một điểm cố định. Cũng chẳng cần quảng cáo chi nhiều, chỉ mấy tấm áp phích đặt nơi cổng trường học, ven chợ là đã đủ để làng trên xóm ầm ĩ bàn tán rủ nhau tối đi xem rồi.
Cũng có khi đội chiếu bóng chúng tôi quảng cáo bằng loa phóng thanh lúc chở máy móc bằng xe ngựa, khi di chuyển tới. Mà đúng ra cũng không cần quảng cáo nữa, khi chiếc xe ngựa lọc cọc chạy vào làng, thì đã có cả một đoàn con nít chạy theo sau đến tận bãi chiếu phim. Miệng ríu rít hỏi hôm nay chiếu phim gì, sau đó chạy về loan tin, rồi mang chiếu, mang gạch ra "chiếm chỗ đẹp".
Ảnh tại một buổi chiếu phim bằng kỹ thuật số phục vụ đồng bào miền núi.
Hôm nào có phim hay, nhất là phim về đề tài chiến tranh của Việt Nam, đặc biệt phim do Xưởng phim TP.HCM hay Nguyễn Đình Chiểu sản xuất, có diễn viên Thẩm Thúy Hằng, Lý Huỳnh, Chánh Tín, Thương Tín... đóng thì sân bãi từ sớm đã chật kín.
Thời ấy, những bộ phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Ván bài lật ngửa, Mùa gió chướng... rất được khán giả thời ấy yêu thích.Ở bãi chiếu phim đông nghịt, phía trước là người già, con nít, phía sau là thanh niên... Những bộ phim ấy có thể chiếu đi chiếu lại nhiều lần ở cùng một địa điểm mà khách vẫn cứ đông.
Tuy nhiên, bộ phim vào dạng "ăn khách" nhất, được chiếu nhiều nhất ngày ấy thì phải nói đến phim cải lương Tìm lại cuộc đời với câu ngâm mà rất nhiều người vẫn còn nhớ của nhân vật Trần Hùng do Nghệ sĩ Giang Châu thủ vai: "Rớt tú tài anh đi trung sỹ - Em ở nhà lấy Mỹ sinh con - Mai này yên chuyện nước non - Anh về anh có Mỹ con anh bồng".
Phim cải lương chiếu bãi có doanh thu cao nhất là ở những làng chài ven biển như Cà Ná, Sơn Hải, đặc biệt vào những đêm trăng sáng (đêm trăng sáng thường những người đánh cá nghỉ ở nhà). Bộ phim này có thể chiếu 2 đêm liền cùng một địa điểm mà người xem luôn đông.
Ấn tượng không phai trong tôi là những đêm chiếu bóng ở làng biển Cà Ná (Ninh Thuận). Đó không chỉ là nơi đông khán giả nhất, ồn ào nhất, nhiều quán ăn "ăn theo" chiếu bóng nhất... mà ở đó còn có một khán giả vô cùng đặc biệt mà chúng tôi không bao giờ lấy vé...
Từ rất sớm, lần nào cũng có một đứa bé chừng 8 tuổi dắt tay theo bà già khoảng trên 70 tuổi bị mù 2 mắt. Hai khán giả này hầu như không buổi chiếu nào vắng mặt. Khi phim chiếu, đứa bé ngồi trong lòng bà và... kể lại những gì đang diễn ra trên màn ảnh cho bà nghe. Đôi mắt lòa của bà hướng về phía màn hình rất chăm chú để "nghe" phim. Không chỉ có bà mà rất nhiều những người già mắt kèm nhèm khác cũng được con cháu dắt ra mua vé vào "nghe" phim, nói đúng ra là nghe vọng cổ trên phim.
2. Còn một khán giả mù xem phim nữa mà tôi vẫn còn nhớ, là thời điểm giữa năm 1978, khi đó tôi mới vào làm ở Phòng Văn hóa thông tin huyện An Sơn, tỉnh Thuận Hải.
Còn nhớ khi ấy huyện có đội chiếu bóng sử dụng máy 16 ly của Liên Xô, có nhiệm vụ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, nhất là những khu căn cứ cách mạng thuộc huyện Bác Ái bây giờ.
Đầu tháng 10-1978 đội chiếu phim lên phục vụ cho đồng bào dân tộc Raglai xã Phước Bình, 1 xã đi lại khó khăn nhất của Thuận Hải. Mỗi lần đội chiếu bóng đi chiếu trên đó, các cơ quan huyện hay cử cán bộ lên công tác đi theo. Lý do là cán bộ muốn tự đi thì không biết đường, và những dịp như thế này đều có dân quân trên xã xuống đưa đón (1978 là thời điểm Fulro hoạt động chống phá chính quyền ác liệt nhất). Phía đội chiếu phim với thùng máy, bao phim, máy phát điện cùng đồ đạc lỉnh kỉnh (máy phát điện công suất 1,5 kw kéo bằng máy nổ Kohle 8 của Mỹ cũng nặng trên 60 kg) thì anh em dân quân vận chuyển giùm, chúng tôi chỉ đeo ba lô và đi theo. Từ sáng sớm đoàn xuất phát từ thôn Trà Co (nay thuộc xã Phước Tiến) lên tới xã Phước Bình cũng khoảng trên 30 km lội suối, trèo trèo, leo dốc... Tới nơi mặt trời cũng xuống núi rồi.
Khi thấp thoáng bóng nhà sàn đã thấy rất đông bà con đợi sẵn. Từ già đến trẻ xếp hàng và... bắt tay không sót một ai trong đoàn. Lần đầu về phục vụ cho đồng bào vùng căn cứ kháng chiến, tôi và mấy thanh niên thấy bỡ ngỡ xen chút xấu hổ khi bắt tay với những thiếu nữ da nâu, mắt sáng, ngực trần căng... Sau năm 2000, khi chưa làm đường tỉnh lộ 656 từ Ninh Sơn qua Phước Bình tới Ba Cụm Bắc của huyện Khánh Sơn, Tỉnh Khánh Hòa, đội chiếu phim vẫn phải đi bộ như thế.
Đến thôn Gia É là trung tâm xã là mệt, mệt lắm... nhưng cũng phải cùng anh em trong đội chiếu bóng căng phông, rải dây, thử máy... "A lô, a lô... Hôm nay đội chiếu bóng của huyện sẽ phục vụ đồng bào một chương trình phim đặc sắc. Kính mời đồng bào sắp xếp công việc, đúng 7 giờ về tại trung tâm xã để xem phim... a lô, a lô".
Cán bộ xã tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Cơm lúa nương, thịt rừng và cam, quá trời là cam ngọt lịm. Mà không chỉ ở đây, tới thôn xã nào đội chiếu bóng lưu động cũng được chính quyền đón tiếp và chăm sóc như thượng khách. Bà con dân tộc khi ấy vẫn chưa định cư, nhiều gia đình còn ở rải rác trên các triền núi. Để được xem phim, họ cũng phải đi bộ có khi cả chục cây số đường rừng từ sáng để về chờ đến tối xem phim.
Thời ấy, bà coi dân tộc thích nhất là những phim phim tài liệu có Bác Hồ, rồi những phim kể về cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng dân tộc. Mỗi khi thấy Bác Hồ xuất hiện trên màn ảnh hoặc máy bay, xe tăng Mỹ bị cháy là bà con đứng dậy vỗ tay khí thế lắm.
Tôi để ý có 1 cặp nam nữ ngồi gần máy chiếu, cái cách họ xem phim mà lặng lẽ làm tôi chú ý. Anh bạn làm xã đội vai đeo súng nói: "Thằng kia em họ mình, nó bị bom Mỹ làm hư mắt rồi. Nhà nó ở xa lắm, vợ nó đưa nó tới đây chờ xem phim từ hôm qua đấy. Không lần chiếu phim nào nó vắng mặt đâu". Nói thêm là hồi ấy chiếu phim thì toàn bộ dân quân phải canh gác để đồng bào xem phim. Thường thì chiếu ở đấy 2 đêm, đêm nào cũng thấy cặp vợ chồng ấy, ngồi đúng vị trí ấy để "nghe phim".
Anh bạn trong đội chiếu bóng kể: "Mấy năm trước khi những lần đầu lên chiếu phim, thấy xe ô tô chạy trên màn ảnh, nhiều người ngồi trước phông màn còn la ré lên và xô nhau tránh. Có lúc chiếu phim Liên Xô hay Trung Quốc, đang chiếu phải dừng lại để cán bộ xã nói tiếng Raglai cho bà con biết đâu là địch, đâu là ta để còn vỗ tay. Hết phim phải thông báo chương trình ngày mai và thòng 1 câu: "Hết phim, mời đồng bào về đi ngủ". Vùng đồng bằng thì mọi người giải tán ngay, trên vùng Raglai thì còn để điện sáng thì họ chưa về".
Sau này đường xá đã tốt, xe ô tô chở máy móc đến tận bãi, chiếu xong khi về thế nào địa phương cũng quẳng lên xe bao bắp, đu đủ hay dăm ký thịt rừng.
Cho tới khi hiện đại hơn, thẻ nhớ video, truyền hình... lên ngôi, các rạp chiếu phim thành nhà hàng, siêu thị, các đội chiếu bóng lưu động cũng co lại chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị và dùng máy chiếu file kỹ thuật số thay phim nhựa. Lũ trẻ tỉnh lẻ, nhất là ở các vùng nông thôn lớn lên không biết gì về phim nhựa, về xem phim lưu động ngoài bãi, không biết cái cảm giác háo hức được xem phim mặc kệ bụng đói, áo mặc chưa lành... nhưng vẫn háo hức đi xem phim.
Một thuở người dân đói văn hóa giải trí và cũng nhiều kỷ niệm với những người chiếu phim lưu động.