Nói là người di cư nhưng phần lớn các bức ảnh tại triển lãm là hình ảnh và câu chuyện của những người bán hàng rong, những lao động tự do vẫn hằng ngày oằn vai trên phố.
Ngày khai mạc triển lãm, những con người ấy bỏ một phiên chợ để kể về những tủi cực đời mình khi là một cư dân bị coi như những người hành nghề bất hợp pháp. Lấy lề đường, vỉa hè làm nơi bán buôn họ luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ những cư dân đô thị.
Một bức ảnh tại triển lãm: Người cháu giữ xe cho bà bới rác.
Anh An, một người đánh giày đem đến một câu chuyện tủi hờn. Anh kể có lần đánh giày cho khách, anh đòi 10.000 đồng, khách chỉ rút ra 5.000 đồng rồi ném vào vũng nước: “Tôi không nhặt tiền và đạp xe đi, trong đầu suy nghĩ xã hội văn minh sao vẫn còn những người không tôn trọng người lao động như thế” - anh An nói. Dù sao anh An còn may mắn hơn là chưa bị đánh, còn chị Dung đã một lần phải chịu đòn roi vô cớ. “Chỉ mới hôm qua thôi tôi đang được một anh thợ xây gọi vào thu mua sắt vụn ở công trường, đang loay hoay nhặt thì tôi bị một người đàn ông mặt đằng đằng sát khí, tay cầm cái điếu cày đánh vào người không thương tiếc. Vừa đánh anh ta không ngớt chửi tôi là đồ ăn cắp. Dù sau đó anh thợ xây kia đã ra giải thích biết tôi bị đánh oan nhưng người đàn ông đó vẫn không hề xin lỗi. Tôi vừa đau vừa thấy tủi hổ mà cũng chỉ biết khóc” - chị Dung buồn bã kể.
Để đối mặt với những nguy cơ bất an có thể đến với mình, một người bán hàng rong khác đang ở thì con gái đã phải hóa trang thành một người già, khăn bịt kín mít, mồm bỏm bẻm nhai trầu… nhưng khi những bất ổn từ bên ngoài chưa tìm đến thì chị phải đón nhận tai họa từ chính cơ thể mình. Mắc bệnh nặng, chị nuôi mấy con chó làm bầu bạn rồi đếm ngược thời gian sống. Nhưng cũng chính trong cảnh khổ ấy bạn bè chị đã quyên góp mỗi người một ít để có thể điều trị bệnh.
Người di cư, một lượng người không hề nhỏ đang tồn tại trong các đô thị và thực tế công việc của họ cũng đem đến những tiện ích cho cư dân thành phố. Tuy nhiên, cũng chính họ trở thành đối tượng chỉ trích cho sự nhếch nhác của phường phố. Những quang gánh oằn trên vai, mang theo những thứ quà quê, nắng chiếu bóng đổ xuống nền đường… có thể là một hình ảnh đẹp trong mắt người lãng mạn nhưng trong thẩm mỹ đô thị hiện đại lại bị coi như một sự xấu xí. Sự xung đột ấy luôn ùn đẩy họ vào những trạng thái bất an, trốn chạy và bị đối xử theo cách mà người phố vẫn bảo là “nhà quê”.
Gần đây nhất, mạng lưới hành động vì lao động di cư M.net đã ra đời với mục tiêu làm cầu nối giữa các đơn vị xây dựng chính sách và các đối tượng lao động di cư, đặc biệt là nhóm di cư lao động phi chính thức. Nhiều chính sách hỗ trợ người di cư cũng được mạng lưới thúc đẩy tiến hành, trong hành trình mưu sinh họ ít nhất không còn là những người cô độc, tự yêu thương lẫn nhau trong những nếp nhà chật chội thuê mướn tạm bợ nữa.