Theo đài CNA đưa tin ngày 11-2, một nhóm nghiên cứu của Anh đã bào chế được một loại vaccine chống chủng virus Corona mới (vừa được Tổ chức Y tế Thế giới gọi tên chính thức là COVID-19) và đang bắt đầu thử nghiệm trên động vật.
Các nhà nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London (Anh) cho biết họ tin mình là những người đầu tiên trên thế giới bắt đầu các thử nghiệm trên động vật để có được vaccine tiêu diệt virus COVID-19.
Hai chi nhánh của một trung tâm y tế ở TP Brighton (Anh) đóng cửa vì hai nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính. Ảnh: AFP
Trả lời đài AFP ngày 10-2, nhà nghiên cứu Paul McKay của ĐH Hoàng gia London cho biết nhóm nghiên cứu của ông đang tiến hành đưa vi khuẩn vào cơ thể các con chuột.
"Chúng tôi hy vọng có thể xác định phản ứng trong máu và phản ứng kháng thể của những con chuột này với virus Corona (COVID-19)" - ông cho biết.
Dù đã có những tiến triển đầu tiên trong bào chế vaccine chống virus COVID-19 nhưng các nhà khoa học vẫn cần rất nhiều thời gian nữa để đi đến kết luận có thành công hay không.
Quá trình nghiên cứu vaccine thường mất nhiều năm thử nghiệm trên động vật, sau đó là thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người.
Vaccine sau khi đã được xác nhận tính hiệu quả trên cơ thể người vẫn cần được kiểm tra độ an toàn và hiệu quả khi sản xuất hàng loạt. Khi tất cả giai đoạn trên hoàn thành, vaccine mới chính thức được đưa vào sử dụng.
Ông McKay cho biết nhóm nghiên cứu của ông hy vọng có thể đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine chống virus COVID-19 dựa trên những nghiên cứu có được trước đó về loại virus cùng chủng Corona đã gây ra dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003.
"Có thể chúng ta sẽ có vaccine để dùng vào cuối năm 2020" - ông McKay lạc quan chia sẻ.
Hiện tại đang có rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới tham gia chế tạo vaccine chống virus COVID-19. Liên minh các sáng kiến chống dịch bệnh (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations, viết tắt CEPI) đang tài trợ nhiều công trình nghiên cứu.
Đây là liên minh được thành lập trong Diễn đàn Kinh tế toàn cầu năm 2017 tại Davos, nhằm mục đích hỗ trợ các nhóm nghiên cứu của các công ty dược và trường đại học trên thế giới thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London không nhận tài trợ từ CEPI mà có nguồn quỹ riêng của mình. Ông McKay chia sẻ ông hy vọng thành công của giai đoạn thử nghiệm vaccine trên động vật có thể mang về nhiều nguồn hỗ trợ hơn cho nghiên cứu.
Ông McKay cũng cho rằng không phù hợp khi miêu tả bối cảnh chung của giới nghiên cứu hiện nay là một cuộc cạnh tranh.
Ông cho biết dù các nhóm nghiên cứu đang làm việc riêng lẻ và đều mong muốn mình là người đầu tiên tìm ra vaccine tiêu diệt virus COVID-19 và thông tin vẫn được chia sẻ rất cởi mở trên toàn cầu.
"Vì vậy nên gọi đây là một cuộc cạnh tranh hợp tác" - ông kết luận.
Tính đến sáng 12-2, Anh ghi nhận tám ca lây nhiễm virus COVID-19, không có ca tử vong. Hai chi nhánh của một trung tâm y tế ở TP Brighton buộc phải đóng cửa từ khi xác nhận ít nhất hai nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này.