Chiều ngày 19-8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị của Thường trực Thành uỷ với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp trên, Thường trực Thành uỷ đã thông nhất đánh giá kết quả tích cực của việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bảo đảm hoạt động thông suốt. Qua đó đã góp phần giữ ổn định tình hình trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho đại hội ở toàn bộ 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn.
Thường trực Thành ủy yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và người dân, nhất là cấp cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện ca bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan. Tuyến đầu của hệ thống chống dịch được xác định gồm các lực lượng y tế, công an, quân đội, thôn, tổ dân phố…
Phủ Tây Hồ tấp nập người dân đến lễ trong ngày 19-8, nhiều người không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội hướng dẫn công tác phòng chống dịch phù hợp với diễn biến dịch từng nơi, từng khu vực và có thể nâng mức độ phòng dịch lên một mức.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, nhất là trên báo chí, mạng internet… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, không tụ tập đông người… Kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về công tác phòng, chống dịch của Thủ đô cho các cơ quan báo chí và nhân dân.
Ngoài ra, nâng cao năng lực xét nghiệm và tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng từ ngày 15 đến 29-7, hoàn thành trong ngày 20-8.
Mở rộng chỉ định xét nghiệm PCR cho những trường hợp ho, sốt, khó thở và các trường hợp khác theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Khi phát hiện ca bệnh, cần tập trung điều tra, xác minh truy vết những trường hợp F1, F2 để cách ly kịp thời, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và không được bỏ sót. Kiểm soát chặt chẽ F1, F2.
Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám sàng lọc, phân loại người bệnh đến khám, thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca nhiễm COVID-19. Thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm từ cơ sở y tế ra cộng đồng.