Dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng cũng là lừa đảo

(PLO)- Nở rộ “dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng”, nhiều người hy vọng lấy lại tiền rồi tin tưởng để mất thêm tiền vì tất cả cũng chỉ là lừa đảo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM một số bạn đọc cho biết do nghe nhiều lời rủ rê nên đã tham gia tìm việc trên mạng và đã bị lừa mất số tiền lớn. Sau khi bị lừa tiền, bạn đọc đã lên mạng kể về trường hợp của mình và hỏi có cách nào để lấy lại số tiền đã mất. Sau khi đăng bài viết, đã có một số người trong các nhóm dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng liên hệ và tự xưng là luật sư, chuyên gia an ninh mạng hoặc là người cũng từng bị lừa…, hứa hẹn sẽ giúp bạn đọc lấy lại số tiền bị lừa.

Tuy nhiên, sau đó bạn đọc không thể lấy lại tiền mà còn bị lừa mất thêm một khoản tiền nữa.

Giả chuyên gia an ninh mạng, luật sư

Chị PLBT (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết chị đã bị lừa mất 30 triệu đồng qua mạng vì tin lời làm cộng tác viên bán hàng.

Sau khi bị lừa, chị vào Facebook chia sẻ bài viết vào các hội nhóm để cảnh báo thì một tài khoản tên HM bình luận bài viết cũng vừa bị lừa mất tiền nhưng đã lấy lại được. Do tò mò, chị BT đã nhắn tin cho tài khoản HM để hỏi làm sao lấy lại được tiền.

Sau đó, tài khoản HM đã trả lời và cho biết người này đã tham gia vào một nhóm Dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng có tên là “Bị lừa qua mạng - Cách lấy lại tiền” trên Facebook và được một chuyên gia an ninh mạng trong nhóm hỗ trợ lấy lại tiền. Tài khoản HM cũng cung cấp cho chị BT số điện thoại của chuyên gia và yêu cầu chị kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn.

Theo chị BT, sau khi kết bạn qua Zalo, người xưng là chuyên gia yêu cầu chị cung cấp thông tin và số tiền bị lừa. Để tạo lòng tin, người này cũng gửi lại cho chị một file hình ảnh có toàn bộ thông tin của chị, kèm theo nhiều hình ảnh cho thấy họ đã giúp nhiều người lấy lại được tiền.

Dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng
Tràn lan hội nhóm nhận làm dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng. Ảnh: TRẦN MINH

“Chuyên gia này nói tôi phải chuyển 4,5 triệu đồng tiền phí dịch vụ pháp lý để khai thác thông tin hồ sơ trên hệ thống, số tiền này sẽ trả lại sau khi tôi lấy lại được tiền. Do quá tin vào những gì chuyên gia này cung cấp nên tôi đã chuyển ngay 4,5 triệu đồng với hy vọng lấy lại được tiền. Nhưng sau khi nhận được tiền, chuyên gia này và tài khoản HM đã chặn liên lạc của tôi. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa lần nữa” - chị BT nói.

Trong vai một người bị lừa 100 triệu đồng qua mạng, PV cũng đã tham gia vào dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng với nhóm “Bị lừa qua mạng - Cách lấy lại tiền” mà chị BT đã thông tin.

Được biết nhóm này hoạt động với hơn 10.000 thành viên tham gia. Mỗi ngày có nhiều tài khoản liên tục đăng bài quảng cáo nhận dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng hoặc tự nhận là nạn nhân bị lừa đã lấy lại được tiền… nhằm gây sự chú ý của các nạn nhân.

Khi tham gia nhóm này, PV được tài khoản ĐTT giới thiệu một luật sư sẽ giúp lấy lại tiền, tài khoản ĐTT cũng cung cấp số điện thoại Zalo của luật sư để PV trao đổi.

Sau khi kết bạn, PV thấy tài khoản Zalo có tên luật sư LMT. Luật sư này yêu cầu PV kể lại toàn bộ câu chuyện bị lừa và cam kết 100% hỗ trợ lấy lại được tiền, chỉ cần chuyển 3 triệu đồng phí pháp lý.

PV từ chối chuyển khoản thì luật sư này đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục chuyển khoản nhưng PV không trả lời. Vài ngày sau đó, tài khoản Zalo này đã khóa.

Lấy hình ảnh, thông tin của luật sư thật để lừa đảo

Trao đổi với PV, luật sư (LS) Huỳnh Quốc Nhân (Đoàn LS TP.HCM) cho biết do bản thân đã từng có nhiều bài viết, video chia sẻ cảnh báo về các vụ việc lừa đảo nên có một số đối tượng đã lợi dụng những hình ảnh, thông tin và video đó để lập ra các trang mạng, chạy quảng cáo ảo nhằm mục đích lừa đảo với tên dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng.

“Khoảng ba tháng trước, nhiều nạn nhân tìm được Facebook, số điện thoại chính chủ của tôi. Sau đó họ liên hệ và trình bày vấn đề liên quan đến việc lấy lại tiền bị lừa trên mạng, lúc này tôi mới nhận ra mình đã bị lấy cắp hình ảnh, thông tin để thực hiện các hành vi lừa đảo” - LS Nhân nói.

Cũng theo LS Nhân, các đối tượng lập ra các trang mạng sử dụng hình ảnh, địa chỉ văn phòng của LS để chạy quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng nhưng lại lấy một số điện thoại khác để tạo lòng tin cho nạn nhân. Sau đó hứa hẹn, cam kết sẽ lấy lại tiền bị lừa cho các nạn nhân nhưng thực tế là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không chỉ LS Nhân mà nhiều LS khác cũng gặp phải tình trạng tương tự.

LS Nhân cũng chia sẻ thêm LS chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn, làm việc với khách hàng và tiến hành công việc bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng khi đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Tuyệt đối không có chuyện LS nhận chuyển khoản để tư vấn, trong khi chưa ký hợp đồng dịch vụ pháp lý cũng như làm dịch vụ lấy lại tiền bị lừa trên mạng.

Bên cạnh đó, theo quy tắc hành nghề, LS không cam kết, hứa hẹn kết quả với khách hàng. Tất cả phải được nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

LS Nhân cũng đưa ra khuyến cáo người dân phải thật cảnh giác để phòng tránh những chiêu trò lừa đảo hiện nay, có thể phòng bằng cách lên mạng tìm hiểu. Vì các cơ quan, ban ngành đã thống kê và thông tin hầu như đầy đủ các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của kẻ gian.

Với những nạn nhân đã bị lừa mất tiền qua mạng, cần phải bình tĩnh, không chuyển bất kỳ một khoản phí nào cho một đối tượng nào. Nếu có thì thu thập tất cả chứng cứ như thông tin chuyển khoản, tin nhắn, lập vi bằng… và tiến hành làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an để được giải quyết.

Không chỉ mất tiền, còn bị lấy cắp thông tin cá nhân

Các đối tượng lợi dụng tâm lý những nạn nhân đã bị lừa tiền qua mạng, muốn lấy lại tiền để đưa ra những thông tin sẽ lấy lại tiền. Tuy nhiên, đó là một hoạt động lừa đảo mà các đối tượng đã lập ra nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Không chỉ lừa đảo tiền, trong quá trình thực hiện hành vi, các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân. Những thông tin này sẽ bị các đối tượng lừa đảo tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo trong tương lai. Hoặc dùng những thông tin đó để khống chế nạn nhân, tìm cách để nạn nhân tiếp tục sập bẫy và mất nhiều tiền hơn.

Trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền phải tìm hiểu địa chỉ, đơn vị đối tượng đang công tác, đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm. Nếu không có hoạt động hoặc chỉ là văn phòng ảo thì tuyệt đối không chuyển tiền…

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, Giám đốc
Trung tâm Tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm