Điểm đến bình yên mang đậm hồn Việt tại Yên Tử

(PLO)- Là địa danh nổi tiếng suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, Yên Tử là quần thể danh thắng - tâm linh gắn liền với một nhân vật sáng danh trong sử Việt là vua Trần Nhân Tông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Yên Tử từ lâu đã được lưu danh là nơi phát tích của Phật giáo Việt nam. Về với Yên Tử là hành trình trải nghiệm trở về với chính mình đầy cảm xúc trong không gian thiên nhiên kỳ vỹ và văn hóa độc đáo.

Là địa danh nổi tiếng suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, Yên Tử là quần thể danh thắng - tâm linh gắn liền với một nhân vật sáng danh trong sử Việt là vua Trần Nhân Tông.

Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử. Ảnh: TL

Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử. Ảnh: TL

Tọa lạc trên đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m) là chùa Đồng, có tên chữ là Thiên Trúc Tự, nghĩa là "Chùa cõi phật". Ngôi chùa được làm hoàn toàn bằng đồng, có chiều dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,5m, nặng 70 tấn. Đây là công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo và lớn nhất Đông Nam Á thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm.

Vào thời kỳ Thiền phái Trúc Lâm phát triển ở đỉnh cao, Yên Tử bao gồm cả một vùng rộng lớn với những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu: Long Động, Hoa Yên, Vân Tiêu (Uông Bí ngày nay), Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngọa Vân (Đông Triều), Thanh Mai, Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) và những công trình khác ở vùng núi phía Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày nay.

Dấu tích lịch sử văn hóa hiện hữu ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư; hàng chục nền móng chùa, am thời Trần - Lê phía dưới những ngôi chùa được phục dựng; hàng nghìn di vật cổ: tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo và sáng tạo.

Làng nương Yên Tử. Ảnh: TL

Làng nương Yên Tử. Ảnh: TL

Về Yên Tử, ta về với núi rừng vùng Đông-bắc Việt Nam. Rừng núi điệp trùng, muôn dải núi đều chầu về Yên Tử, ngọn núi cao (1.068 mét) rừng đại ngàn che phủ, cây mọc chênh vênh trên vách đá, thấp thoáng tháp chùa cổ kính rêu phong, thác đổ, suối reo…, đẹp như những bức tranh thủy mạc.

Về Yên Tử, lên ngọn núi xưa có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân Sơn (Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng), An Tử…, đỉnh núi còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ trái đất cách đây khoảng 10 triệu năm, trong núi có mỏ than rất lớn. Rừng tự nhiên lưu giữ nhiều nguồn gien động vật và thực vật: Trong 206 loài động vật có xương sống ở đây, có hơn 20 loài quý hiếm ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam, như: Sóc bay lớn, voọc mũi hếch, ếch ang, ếch gai, thằn lằn cá sấu…; trong số 830 loài thực vật, có 38 loài đặc hữu quý hiếm như: Táu mật, lim xanh, lát hoa, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao...

Ta đến với những hàng tùng, cây đại, vườn cây ăn quả được người xưa trồng đã hơn bảy trăm năm, rừng trúc bạt ngàn, vạt mai vàng xuộm, khóm cúc hoa nở rộ trước sân chùa. Sau mỗi cơn mưa, cầu vồng thường hiện trên dòng suối. Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi bốn mùa.

Một góc Trung tâm văn hóa Trúc lâm. Ảnh: TL

Một góc Trung tâm văn hóa Trúc lâm. Ảnh: TL

Sau đại dịch Yên Tử vẫn luôn là điểm đến thân thuộc với rất nhiều du khách trong và ngoài nước, trong đó có những du khách nhiều lần quay trở lại Yên Tử.

"Sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, rất nhiều du khách lẻ cũng như các đơn vị lớn đã chọn tìm về Yên Tử để cân bằng lại tinh thần, tiếp nạp năng lượng tích cực, định hướng cho tương lai" – bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng GĐ Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư điểm đến Yên Tử nhận định.

Có thể nói, Yên Tử là một nơi thực hành tâm linh dành cho mọi đối tượng. Và nhờ sự đa dạng về nhu cầu đối tượng mà Yên Tử đã không gặp vấn đề về tính thời vụ.

"Có những doanh nhân, du khách nói họ đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, khi về tới nơi đây, họ đầy cảm xúc và như được “trở về với chính mình”, họ lan toả những điều tốt đẹp ấy tới đồng nghiệp, bạn bè, công chúng…

Có lẽ chính di sản Văn hoá xưa từ thời Trần (thế kỷ 13) và tinh hoa văn hóa kế thừa như một sự tiếp biến văn hóa do chính tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ Tùng Lâm cùng Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Bill Bensley và các nghệ nhân Việt tài hoa đã tạo nên một Quần thể nghỉ dưỡng độc đáo. Đây là những điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước" - bà Thu Hà cho hay.

Vào thế kỷ 13, Đức vua Trần Nhân tông từ bỏ ngai vàng, xuất gia về Yên Tử tu hành, giác ngộ Phật và trở thành Tổ sáng lập ra dòng thiền Trúc lâm Yên Tử - dòng Phật giáo nhập thể mang bản sắc Việt với mong muốn xây dựng một quốc gia hạnh phúc, hướng thiện.

Hành hương theo dấu chân Phật hoàng, du khách vừa được hồi tưởng lại ký ức lịch sử hơn 700 năm trước, vừa lắng tâm để hiểu thấu di sản tinh thần quý giá do các Tổ và nhiều thế hệ Thiền sư để lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm