Điểm tin 19-4: Kiev nói giai đoạn 2 của cuộc chiến đã bắt đầu, Nga tập trung lượng tấn công sang phía đông Ukraine

(PLO)- Chính quyền Ukraine cho biết cuộc chiến giữa nước này với Nga đã bước sang giai đoạn 2 khi lực lượng của Moscow bắt đầu một cuộc tấn công mới nhằm vào khu vực phía đông nước này.

Tình hình giao tranh 2 bên:

. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao của Ukraine cho biết quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mới dọc theo phần lớn sườn phía đông của nước này vào hôm 18-4.

“Chúng ta giờ đây đã có thể xác nhận rằng các lực lượng của Nga đã bắt đầu trận chiến Donbas mà họ đã chuẩn bị từ lâu. Một phần lớn của lực lượng Nga đang tập trung cho trận chiến này” - ông Zelensky tuyên bố.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết trong sáng 18-4, “dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến của các khu vực Donetsk, Luhansk và TP Kharkiv, quân Nga đã cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ” của Kiev.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak tuyên bố "giai đoạn thứ hai của cuộc chiến" đã bắt đầu ở phía đông, nhưng kêu gọi người dân "hãy tin vào quân đội của Kiev vì họ rất mạnh”.

Một người dân địa phương đi xe đạp băng qua một chiếc xe bọc thép cháy đen sau các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine tại thị trấn Volnovakha, vùng Donetsk, ngày 15-3. Ảnh: REUTERS

. Theo hãng thông tấn Ukraine Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã ghi lại các dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đang bắt đầu chiến dịch tấn công vào khu vực miền đông nước này.

“Theo thông tin tác chiến, tính đến 18 giờ ngày 18-4, kẻ thù tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom vào các cơ sở hạ tầng công nghiệp và dân dụng” - Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo.

Kiev cho rằng những nỗ lực chính của Moscow là tập trung vào việc thiết lập toàn quyền kiểm soát lãnh thổ của các khu vực Donetsk và Luhansk và nắm giữ phần lãnh thổ đã chiếm được trước đó.

Quân đội Nga trên xe bọc thép. Ảnh: UKRINFORM

. Cùng ngày, chính quyền Kiev cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa của quân đội Nga đã giết chết 7 người ở Lviv, những nạn nhân dân sự đầu tiên ở thành phố này.

Các quan chức tiết lộ thêm rằng các cuộc pháo kích của Nga cũng đã giết chết 4 người ở khu vực miền đông Donetsk, trong khi một người đàn ông và một phụ nữ khác đã thiệt mạng ở TP Kharkiv khi đạn pháo bắn vào gần một tòa nhà dân cư.

Các binh sĩ và lực lượng cứu hộ Ukraine kiểm tra một tòa nhà dân cư bị Nga tấn công ở TP Lviv, vào ngày 18-4. Ảnh: REUTERS

. Đài RT dẫn thông báo từ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết quân đội nước này đã phá hủy một nhà máy quân sự được sử dụng để sửa chữa đầu đạn tên lửa đạn đạo Tochka-U của Ukraine ở TP Dnepr, trước đây được gọi là Dnepropetrovsk.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U do Liên Xô trước đây sản xuất đã được lực lượng Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột với Nga. Đây được xem là loại vũ khí có tầm bắn xa nhất mà Kiev sử dụng, tối đa 120 km.

Binh sĩ Ukraine vận hành pháo 2A65 Msta-B trong cuộc tập trận gần biên giới với Crimea vào ngày 28-1. Ảnh: REUTERS

Động thái của các nước

. Phó Tổng thư ký đặc trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths hôm 18-4 cho biết một lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa Ukraine và Nga hiện nay vẫn chưa có thể thực hiện ngay, nhưng có khả năng sẽ được tiến hành trong một vài tuần tới, Reuters đưa tin.

. Cũng theo Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 18-4 cho biết quân đội nước này dự kiến sẽ bắt đầu huấn luyện cho người dân Ukraine cách sử dụng lựu đạn pháo trong những ngày tới và các cuộc huấn luyện này sẽ diễn ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine.

Theo đó, Washington cũng đang có kế hoạch huấn luyện cho người dân và binh lính Ukraine cách sử dụng một số loại vũ khí mới như pháo và radar.

Một người đàn ông đi bộ gần một tòa nhà dân cư bị phá hủy trong cuộc xung đột Ukraine-Nga ở TP Mariupol vào ngày 17-4. Ảnh: REUTERS

. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dmitry Polyansky cho biết ông không thấy có triển vọng nào cho bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine vào lúc này.

"Sáng kiến ​​về một cuộc họp Nga-Ukraine để thảo luận về các vấn đề nhân đạo đã được LHQ đưa ra trước đây. Trên thực tế, họ muốn tìm cách để dàn xếp, để giúp các bên xích lại gần nhau hơn. Điều đó có lẽ có thể xảy ra nếu có triển vọng cho bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine, nhưng tôi thấy không có, đặc biệt là trong tình hình hiện nay” - ông Polyansky nhấn mạnh.

"Họ biết về tất cả các sáng kiến ​​liên quan đến việc mở các hành lang nhân đạo và họ biết mọi sự cố và thất bại đều do lỗi của phía Ukraine, mặc dù Nga luôn sẵn sàng cho việc đó" - ông Polyansky lưu ý.

Theo ông, LHQ đang tìm cách ngụy tạo cho hành động và chính sách không mang tính xây dựng của Ukraine: “Không rõ hợp tác ba bên sẽ rao sao khi chính phía Ukraine thể hiện ít cam kết về các vấn đề nhân đạo”.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại một sự kiện ở Belgrade, ngày 4-4. Ảnh: RT

. Giải thích việc không đứng lên phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết Serbia đã phải trả giá rất nhiều khi không ủng hộ việc chống lại Nga cùng các nước khác.

“Chúng tôi đã phải trả giá rất nhiều khi không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nhưng nếu chúng tôi áp đặt chúng, chúng tôi sẽ vi phạm nguyên tắc không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại bất kỳ ai, bởi vì chúng tôi biết từ kinh nghiệm của bản thân rằng các biện pháp trừng phạt là vô đạo đức và không hiệu quả” - ông Vucic nói.

“Họ đang nói rằng tôi là một kẻ phản bội. Người duy nhất ở châu Âu không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và từ một quốc gia nhỏ bé như vậy. Hãy gọi tôi bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng người dân Serbia vẫn luôn tin tưởng vào tôi” - ông nói thêm.

Bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U trong cuộc duyệt binh ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP

. Theo RT, kể từ ngày 24-2, các nhà chức trách trên nhiều khu vực của Đức đã tiến hành hơn 140 cuộc điều tra về các hành vi được coi là ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong phần lớn các trường hợp, những người bị nghi ngờ đã sử dụng những biểu tượng ủng hộ Nga. Các nhà chức trách Đức viện dẫn Mục 140 của Bộ luật hình sự nước này cho biết những người ủng hộ hành vi phạm tội của người khác có thể phải đối mặt với án phạt lên đến 3 năm tù.

Thủ tướng Ý Mario Draghi xuất hiện tại sự kiện G20 vào tháng 10 năm ngoái ở Rome, Ý. Ảnh: RT

. Cũng theo RT, Thủ tướng Ý Mario Draghi hôm 18-4 cho biết ông không còn hy vọng nhiều vào việc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt xung đột.

“Tôi bắt đầu nghĩ những người đó đúng khi họ nói rằng nói chuyện với anh ta (ông Putin) là vô ích. Thật lãng phí thời gian” - ông Draghi tuyên bố. Theo Thủ tướng Ý, mục tiêu của ông Putin không phải là tìm kiếm hòa bình, mà là "tiêu diệt quân kháng chiến Ukraine, chiếm đóng đất nước và giao nó cho một chính phủ thân Nga".

Ông Draghi cho biết ông vẫn ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, nói rằng việc theo đuổi mọi con đường đối thoại có thể là đúng đắn, nhưng ông nói thêm: “Tôi có ấn tượng rằng cuộc chiến tranh, hành vi tàn sát và những gì họ đã gây ra cho trẻ em và phụ nữ hoàn toàn không phụ thuộc vào những cuộc đàm phán hay điện đàm".

Thủ tướng Ý dự đoán “tình trạng bạo lực sẽ còn kéo dài và sự tàn phá sẽ tiếp tục. Không có dấu hiệu nào cho thấy người dân Ukraine có thể chấp nhận sự chiếm đóng của Nga”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới