Diễn biến mới nhất vụ NXB chi thù lao cho Sở Giáo dục

Tối 16-12, PGS-TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, tiếp tục lên tiếng về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho một số cán bộ của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Ông Tùng cho biết năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam đã được Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp “xây dựng và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học xuất bản một bộ SGK mới theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình hành động của Chính phủ và đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK của Bộ GD&ĐT”. 

Bản ghi nhớ ký kết giữa Sở GD&ĐT TP.HCM và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.


Sự phối hợp này được thể hiện qua biên bản ghi nhớ ký kết giữa Sở GD&ĐT TP.HCM, đại diện là ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở và NXB Giáo dục Việt Nam, đại diện là ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thời điểm đó. Đến năm 2018, sau khi Bộ GD&ĐT bổ nhiệm ban lãnh đạo mới thay thế những người đã nghỉ hưu, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiếp nối, phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM để xây dựng, hoàn thiện bộ SGK Chân trời sáng tạo.

Về Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK, ông Tùng cho biết Ban chỉ đạo biên soạn được thành lập với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, tập hợp, lựa chọn các thầy cô giáo có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm giảng dạy để tham gia làm tác giả; hỗ trợ trong việc triển khai dạy thực nghiệm; tổ chức các hội thảo tập huấn biên soạn, biên tập, thiết kế SGK; phản biện, góp ý, chỉnh sửa cho bản thảo của bộ SGK này.

Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất, mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. 

"Nhuận bút biên soạn SGK chỉ được chi trả cho tổng chủ biên, chủ biên và các tác giả. Do đó, NXB Giáo dục Việt Nam phải cân đối tính toán để có mức thù lao phù hợp cho các thành viên ban chỉ đạo từ nguồn kinh phí của mình" - ông Tùng cho biết.

Thông tin thêm, phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua, hoạt động xuất bản SGK của NXB Giáo dục Việt Nam không có lãi, phải bù lỗ bằng các nguồn thu khác.

Trong khi đó, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK bao gồm khối lượng công việc lớn, trải qua rất nhiều công đoạn từ nghiên cứu chương trình, tập huấn đội ngũ tác giả, biên soạn, biên tập, minh họa, dạy thực nghiệm cho tới giới thiệu sách, tập huấn giáo viên sử dụng sách, cung cấp sách mẫu, học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình tổ chức dạy học... 

"Đó là một khoản kinh phí không nhỏ. Song với mục tiêu đặt nhiệm vụ phục vụ lên hàng đầu, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ phải cân đối, bù đắp chi phí để SGK có mức giá phù hợp nhất với đại đa số gia đình có con em đi học" - ông Tùng thông tin.

Trước đó, dư luận xôn xao khi NXB Giáo dục Việt Nam có tới hai quyết định chi thù lao biên soạn SGK hằng tháng (2,5-6 triệu đồng/người) cho hàng chục người, từ lãnh đạo đến chuyên viên của Sở GD&ĐT TP.HCM từ năm 2015 đến nay.

Cụ thể, từ năm 2015 đến 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có hai quyết định chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam, trong đó hầu hết là lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên của Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc, nhận 6 triệu đồng/tháng, những người khác nhận 2,5-5 triệu đồng/tháng.

Trước sự việc này, Bộ GD&ĐT dẫn quy định của Luật Xuất bản. Theo đó, tổng giám đốc NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK).

Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật.

Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng...; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.

Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm