Ông Nguyễn Văn Quyện - nguyên đơn trong vụ án "Mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc" mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, cho biết ông ngoài việc kháng cáo toàn bộ bản án còn đề nghị HĐXX phúc thẩm chuyển hồ sơ cho CQĐT Công an TP.HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Trường, yêu cầu ông Trường đến CQĐT thì mọi việc sẽ được làm sáng tỏ.
Bởi lẽ Bản kết luận số 5905 ngày 23-10-2015 của PC45 Công an TP.HCM cho là “do chưa tiếp xúc làm việc với Trường nên không thể làm rõ toàn bộ nội dung, tính chất vụ việc”. Do đó, nay ông Trường đã ra tù nên việc tiếp xúc với ông Trường sẽ làm rõ được bản chất sự việc nhiều khuất tất này.
Theo ông Quyện, cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng giữa ông Trường với người thứ ba có hiệu lực nhưng lại không phân tích làm rõ việc ông Trường đem bán tài sản chưa phải tài sản của ông mà không được sự đồng ý của ông Quyện là lừa dối ông Quyện và người mua là giao dịch dân sự bị lừa dối theo Điều 132 BLDS 2005.
Ông Trường khai là chỉ cầm cố với
lãi suất 3% tháng và không đồng ý để người thứ ba được sở hữu nhà đất của ông Quyện. Lời khai này có mâu thuẫn với lời khai của người thứ ba nhưng thẩm phán không cho đối chất để làm rõ và cũng không xem xét đến lời khai này trong phiên xét xử để làm rõ hợp đồng giữa ông Trường và người mua có đúng quy định của pháp luật hay không.
Ông Trường
chuyển nhượng đất tài sản trên đất cho người thứ ba là nhằm che dấu một hợp đồng cầm cố vay nợ với lãi suất 3%/tháng. Ông Trường khẳng định ông không bán nhà đất. Do đó, xác định được đây chính là hợp đồng giả tạo
Bản án nhận định người mua là chủ sở hữu tài sản sau khi công chứng xong hợp đồng chuyển nhượng với ông Trường nhưng lại không xem xét đến thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Đó là “Quyền sử dụng chỉ được chuyển nhượng cho bên mua kể từ thời điểm bên mua thực hiện xong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất”. Cho đến nay, người mua vẫn chưa thực hiện được thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất gắn liền với đất.
Bản án đã chấp nhận yêu cầu của người thứ ba và buộc những người đang ở trong căn nhà phải giao nhà cho bà này. Như vậy là bất chấp thỏa thuận giữa ông Quyện với ông Trường trong hợp đồng chuyển nhượng là thanh toán đủ mới đươc nhận nhà.
Ông Quyện cho rằng nay công an tiếp xúc bị đơn thì sẽ làm sáng tỏ vụ mua bán nhà siêu tốc, siêu rẻ nhiều khuất tất giữa ông Trường và người mua.
Căn nhà của vợ chồng ông Quyện được sang tên đổi chủ siêu tốc chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.
Như chúng tôi đã phản ánh, ngày 2-10-2014, vợ chồng ông Quyện ký bán căn nhà 335 bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình cho ông Trường với giá 58 tỉ đồng. Hai bên cam kết nếu không thực hiện đúng thỏa thuận thì việc mua bán không thành, ông Trường phải chuyển lại giấy tờ nhà cho ông Quyện và mất cọc.
Sau khi nhận 11 tỉ đồng, ông Quyện ra công chứng chuyển nhượng cho ông Trường, đồng thời chuyển giấy tờ nhà cho ông Trường giữ.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ông Trường đã đi đóng lệ phí trước bạ, đăng bộ, đóng
thuế và sang tên thành công. Tiếp đó, ông Trường đã bán nhà cho người thứ ba với giá 28 tỉ đồng vào ngày 16-10-2014. Khi người này đi đăng bộ, sang tên thì ông Quyện phát hiện và yêu cầu ngăn chặn. Tháng 11-2014, ông Quyện khởi kiện, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà với ông Trường.
Ngày 4-10, HĐXX
TAND quận Tân Bình, TP.HCM bác yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất mà vợ chồng ông Quyện đã ký với ông Trường hồi tháng 10-2014. Do hợp đồng giữa hai bên có hiệu lực nên tòa không chấp nhận yêu cầu của ông Quyện đối với việc ông Trường phải mất tiền cọc 11 tỉ đồng vì theo tòa 11 tỉ đồng này là tiền thanh toán mua nhà.
Về yêu cầu độc lập của người thứ ba, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu nhận nhà và giao trả giấy chủ quyền căn nhà cho người này vì theo
Luật Nhà ở 2005 thì bà này đã có quyền sở hữu căn nhà.