Giữa tháng 6-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định công bố tập tài liệu gần 1.000 trang hé lộ chi tiết về vai trò của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong âm mưu đảo chính ở Iran vào năm 1953.
Vì dầu mỏ, tạo kẻ thù truyền kiếp
Vụ đảo chính năm 1953 được dàn dựng nhằm mục tiêu lật đổ vị thủ tướng đầu tiên được bầu cử một cách dân chủ tại Iran - ông Mohammad Mossadegh. Giới chuyên gia nhận định âm mưu đảo chính của CIA suy cho cùng chỉ vì dầu mỏ.
Trong nhiều thập niên kể từ khi dầu mỏ được phát hiện tại Trung Đông, các mỏ dầu khổng lồ tại đây nằm trong bàn tay của các công ty phương Tây, chẳng hạn Công ty dầu mỏ Ả Rập - Mỹ ở Saudi Arabia hay Công ty dầu mỏ Anglo-Iran (Anh) tại Iran. Nhưng rồi thập niên 1950 đến và mang theo cuộc địa chấn toàn cầu chống chủ nghĩa thực dân. Mỹ bị gây áp lực và buộc phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận từ việc bán dầu với chính quyền Saudi Arabia. Anh cũng bị Iran gây áp lực tương tự tại Iran nhưng London đã ngoan cố không lùi bước trước chính quyền Tehran.
Đầu năm 1951, với sự ủng hộ của đại đa số dân chúng, ông Mossadegh đưa ra quyết định táo bạo là quốc hữu hóa nền công nghiệp dầu mỏ, không cho phép nước ngoài sở hữu các mỏ dầu của quốc gia. London giận dữ khi mất đi nguồn lợi khổng lồ tại Trung Đông. Không muốn chia sẻ lợi ích với Tehran, tình báo Anh (MI-6) được London chỉ định phối hợp với CIA thực hiện âm mưu đảo chính để tái lập một chính quyền quân chủ thân phương Tây.
Những tư liệu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mới đây nhất cũng cho thấy Washington không hề hài lòng với sự ngoan cố của London, đẩy ông Mossadegh đến bước đi phải quốc hữu hóa ngành dầu khí. Bản thân Mỹ cũng đã thỏa hiệp thành công với phía Saudi Arabia để cùng chia sẻ lợi nhuận. Langley (địa chỉ đầu não của CIA, bang Virginia) cũng đã âm thầm tìm cách làm việc với chính quyền ông Mossadegh để giải tỏa căng thẳng nhưng đã bất thành, theo tài liệu giải mật. Trong giai đoạn chiến tranh lạnh đang căng thẳng, Washington cân nhắc yếu tố ông Mossadegh cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ lực lượng xã hội chủ nghĩa tại Iran và quyết định đồng ý ra tay.
Xe tăng trên đường phố Tehran trong vụ đảo chính năm 1953. Ảnh: AFP
Chiến dịch Ajax
Cuộc đảo chính, được đặt tên “chiến dịch Ajax”, được ấn định ngày bắt đầu vào 15-8-1953. Người nắm vai trò chủ chốt của chiến dịch này là ông Kermit Roosevelt (1916-2000), trưởng bộ phận Cận Đông và Phi của CIA. Theo tờ The New York Times, phần lớn thời gian trước cuộc đảo chính xảy ra Kermit không làm việc tại Langley mà dành thời gian ở Tehran, cố gắng thuyết phục vị Shah (cách gọi của vua Iran) Mohammed Reza Pahlevi chấp nhận lời đề nghị dũng cảm đứng lên thay thế Mossadegh. Theo New York Times, Shah Pahlevi được ghi chép trong lịch sử là một con người không có tham vọng lớn về chính trị.
Với những kinh nghiệm dày dạn trong công tác tình báo và đã quen hợp tác với phía MI6, chiến dịch Ajax được giao cho Kermit nắm chủ chốt tại Tehran. Trong chiến dịch Ajax, tình báo Mỹ tiến hành một cuộc mua chuộc quy mô lớn tại Iran, đút lót hàng loạt quan chức nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, giáo sĩ Hồi giáo và thậm chí là các băng đảng tội phạm, từ đó châm ngòi cuộc nổi dậy lật đổ Thủ tướng Mossadegh. Truyền thông phương Tây lúc bấy giờ trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực cho âm mưu đảo chính. Tờ The New York Times (Mỹ) và Đài BBC (Anh) liên tục đăng tải thông tin chống lại Mossadegh, cáo buộc ông đe dọa lợi ích của phương Tây với âm mưu thâu tóm hết mỏ dầu ở vùng Vịnh. Trong phim tài liệu phát sóng ngày 18-8-2011, BBC lần đầu tiên thừa nhận chính phủ Anh dùng kênh BBC tiếng Ả Rập làm cỗ máy tuyên truyền chống phá Iran. Chính phủ yêu cầu BBC phát thanh nội dung chống đối ông Mossadegh nhiều đến mức các nhân viên phải đình công để phản đối.
Chiến dịch nổ ra đúng ngày 15-8-1953 như dự tính, thế nhưng đã lập tức vấp phải sự phản kháng dữ dội từ chính quyền của Thủ tướng Mossadegh, khiến hàng chục người bị bắt giữ. Ông Fazlollah Zahedi, viên tướng quân đội Iran bị Mỹ mua chuộc để tiến hành đảo chính, bỏ trốn. Shah Pahlevi vốn dĩ thiếu bản lĩnh chính trị lập tức đào thoát ra nước ngoài. Trước tình hình đó, CIA đánh giá chiến dịch thất bại và gửi điện tín cho điệp viên Kermit Roosevelt ở Iran.
Bất tuân thượng lệnh
Ba ngày sau khi trận đánh mở màn của chiến dịch Ajax thất bại, thông điệp chấm dứt chiến dịch được CIA gửi đến tay Kermit. “Chiến dịch đã được thử thực hiện và đã thất bại. Chúng ta không nên tham gia vào bất kỳ hoạt động nào chống lại ông Mossadegh mà có thể bị truy dấu vết ngược lại Mỹ” - đấy là nội dung bức điện tín Langley gửi cho ông Kermit vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng qua. Những diễn biến sau khi bức điện tín đó đến tay Kermit đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử.
Malcolm Byrne, Giám đốc dự án Mỹ - Iran thuộc tổ chức National Security Archive của ĐH George Washington, cho biết: Kermit Roosevelt, người nắm quyền điều hành trực tiếp cuộc đảo chính, đã quyết định bất tuân thượng lệnh. Theo nhiều tư liệu được giải mật lẻ tẻ từ sau cuộc đảo chính đến nay, ông Byrne cho biết có ít nhất một nhân viên tình báo khác có mặt trong căn phòng nhận điện tín cùng với Kermit. “Không. Chúng ta chưa xong việc ở đây” - ông Byrne dẫn lại lời nói thời điểm đó của tay điệp viên nổi tiếng lịch sử tình báo Mỹ. Những tài liệu được giải mật lẻ tẻ nhiều thập niên qua cũng đã cho thấy ông Kermit phớt lờ mệnh lệnh cấp trên chấm dứt chiến dịch nhưng nội dung mệnh lệnh này giờ đây mới được công bố. Nó cho thấy rõ ràng Mỹ rất lo sợ bị lộ chân tướng âm mưu chống chính phủ Iran, đặc biệt khi đang muốn củng cố vị thế của mình tại bàn cờ chiến lược Trung Đông.
Một ngày sau, sáng 19-8-1953, “trận chiến” thứ hai của chiến dịch Ajax nổ ra. Với sự hỗ trợ của hàng loạt đám đông do CIA đứng sau tổ chức, nỗ lực đảo chính lần hai đã diễn ra thành công. Sự ngoan cố của Kermit mang lại cho ông chiến thắng ngoạn mục nhưng cũng tạo nền tảng để Trung Đông sinh ra một kẻ thù “truyền kiếp” mà nước Mỹ không hề mong muốn. Thủ tướng Mossadegh bị bắt giam, tướng Zahedi được chỉ định làm thủ tướng và sau đó tái lập chế độ quân chủ thân phương Tây với người đứng đầu là Shah Pahlevi.
Sau khi vương triều thân phương Tây lên ngôi, Công ty Anglo-Iran đổi tên thành BP. Tuy nhiên, cuộc đảo chính không thể phục vụ mưu đồ của phương Tây do làn sóng người theo chủ nghĩa dân tộc kịch liệt phản đối việc để cho nước ngoài kiểm soát dầu mỏ quá nhiều, theo Foreign Policy. Cuối cùng, BP và công ty khác cũng buộc phải chia sẻ dầu mỏ với Iran.
Nhưng sự thù ghét phương Tây của người dân Iran không chỉ dừng lại ở sức ép buộc Tehran phải giữ quyền lợi dầu khí. Vụ lật đổ người “anh hùng dân tộc” Mossadegh còn tiếp thêm lửa cho làn sóng chủ nghĩa dân tộc - Hồi giáo tại Iran. Sự thù ghét này châm ngòi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979 và đẩy tới cuộc khủng hoảng con tin 52 công dân và nhà ngoại giao Mỹ bị kẹt tại Iran từ năm 1979 đến 1981. Vụ đảo chính của Kermit chính là tác nhân đầu tiên đầu độc mối quan hệ Mỹ - Iran suốt từ thập niên 1950 đến tận thế kỷ 21.
Là cháu của cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, ông Kermit trong giai đoạn Thế chiến thứ hai đã từng làm việc tại Văn phòng Hoạt động Chiến lược - cơ quan tiền thân của CIA. Trong thời điểm chiến tranh lạnh, ông cũng nổi tiếng là người đã hỗ trợ tình báo Anh lật tẩy điệp viên hai mang Kim Philby - một đầu mối của tình báo Anh làm việc tại Washington. Nhân vật này may mắn đào tẩu được vào phút chót và trốn đến Moscow trước khi bị lực lượng phản gián Anh chính thức kết luận là điệp viên của Liên Xô. Theo tờ The New York Times, sau “thắng lợi” tại Iran, Kermit cũng được đề nghị lãnh đạo chiến dịch đảo chính tại Guatemala nhưng ông đã từ chối. |