Bà Trần Thị Bích Liên, chủ một căn nhà ở đường Lê Hoàng Phái (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM), đang gặp phải tình cảnh khổ sở vì trước đây từng “bút sa gà chết” trong một hợp đồng vay tiền.
Tháng 11-2008, bà Liên vay bà LTT 300 triệu đồng. Bà T. yêu cầu bà Liên ký hợp đồng bán nhà có công chứng để đảm bảo khoản vay. Hai bên cam kết ba tháng sau bà Liên trả tiền thì hủy hợp đồng, bà T. trả giấy tờ nhà cho bà Liên.
Đến hạn, bà Liên tìm bà T. trả nợ thì bà T. nói đang ở xa. Một thời gian sau, bà T. mới thú nhận “lỡ bán nhà rồi” và hứa về TP.HCM gặp bà Liên giải quyết nhưng rồi biệt vô âm tín. Người mua nhà từ bà T. thì liên hệ yêu cầu bà Liên “chuộc nhà” với giá 600 triệu đồng nhưng bà Liên không chịu.
Sau đó bà Liên khởi kiện bà T. nhưng tòa không nhận đơn vì không cung cấp được địa chỉ của bà T. Thời gian này, căn nhà tiếp tục bị sang tên, bán cho hai người khác rồi bán cho ông TĐN. Những người mua bán nhà đều không đến xem nhà, gặp bà Liên mà chỉ giao dịch trên giấy tờ.
Căn nhà gia đình bà Liên sinh sống từ hơn 30 năm nay. Ảnh: YC
Năm 2012, ông TĐN kiện gia đình bà Liên đòi giao nhà. Năm 2013, TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm buộc gia đình bà Liên phải giao nhà trống cho ông N. Bà Liên kháng cáo, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định việc ông TĐN đòi gia đình bà Liên trả nhà là không đúng vì gia đình bà Liên không giao dịch với ông. Mặt khác, chồng bà Liên khai không ký tên trên hợp đồng bán nhà cho bà T. (người cho bà Liên vay tiền). Do đó, tòa hủy án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.
Ông TĐN rút đơn kiện bà Liên, chuyển qua kiện người bán nhà cho ông. Tháng 3-2014, TAND quận Gò Vấp buộc người bán nhà phải giao toàn bộ nhà cho ông TĐN, buộc gia đình bà Liên (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) dọn ra khỏi nhà để bàn giao nhà trống cho ông TĐN. Bà Liên kháng cáo. Lên cấp phúc thẩm, ông TĐN rút đơn kiện, người bán nhà đồng ý nên tháng 7-2014, TAND TP.HCM hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Sau đó bà Liên khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà với bà T. nhưng không cung cấp được địa chỉ của bà T. nên TAND quận Gò Vấp không nhận đơn.
Đến nay người mua nhà cuối cùng là ông NMT đã thế chấp giấy tờ nhà để vay hơn 1,1 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt Chi nhánh Sài Gòn. Ông T. không trả nợ, phía ngân hàng đòi bà Liên giao nhà thì bà Liên mới biết.
“Hợp đồng bán nhà với bà T. là giả tạo nhằm che giấu giao dịch vay tiền. Căn nhà là tài sản chung của vợ chồng nhưng chồng tôi không biết chuyện này. Phân viện KHHS tại TP.HCM đã giám định, kết luận chữ ký của chồng tôi trên hợp đồng mua bán nhà với bà T. là giả. Gia đình tôi sống tại căn nhà hơn 30 năm nay nhưng ngân hàng không liên hệ khi nhận thế chấp, không xác minh có ai đang sinh sống, nhà có tranh chấp hay không. Ngân hàng nhận thế chấp không đúng quy trình, mặt khác nhiều lần cho nhân viên đến yêu cầu tôi giao nhà là không đúng vì tôi không vay ngân hàng” - bà Liên bức xúc.
Để làm rõ hơn sự việc, PV đã liên hệ với Ngân hàng TMCP Bảo Việt - Phòng giao dịch Trần Não (nơi đòi bà Liên giao nhà) nhưng chưa được trả lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Kiện hủy hợp đồng giả cách không hạn chế thời hiệu Cả BLDS 2005 lẫn BLDS 2015 đều quy định đối với giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì thời hiệu yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là không bị hạn chế. Theo bà Liên, hợp đồng của bà ký với bà T. là giả cách. Kết luận của Phân viện KHHS tại TP.HCM cũng xác định chữ ký của chồng bà Liên trên hợp đồng mua bán nhà này là giả. Với giao dịch dân sự giả tạo, vi phạm điều cấm của luật thì không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, vợ chồng bà Liên có thể yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch mua bán nhà giữa bà Liên với bà T. là vô hiệu. Tuy nhiên, bà Liên phải cung cấp cho được địa chỉ của bà T. thì tòa mới có cơ sở thụ lý. Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam |