Đó là mô hình chăm sóc toàn diện cho người bệnh đang diễn ra tại khoa Hồi sức tích cực chống độc của BV Bình Dân (TP.HCM).
Một điều dưỡng nữ đang gội đầu cho bệnh nhân tại khoa. Ảnh: SYT
Có mẹ là bà Bùi Thị Bé (sinh năm 1936) từng điều trị ở khoa và đã chuyển ra ngoài, chị Đào Ngọc Sương cho hay rất lo lắng khi mẹ trải qua phẫu thuật. Tuy nhiên, khi thấy các y bác sĩ chăm sóc và vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng cho mẹ, chị rất yên tâm.
“Trong thời gian mẹ tôi nằm ở khoa, tôi không phải làm gì cả. Được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe tinh thần của mẹ tôi khá lên nhiều. Gia đình có nguyện vọng cho mẹ ở lại khoa lâu hơn để được chăm sóc tốt hơn nhưng đành phải chuyển khoa theo chỉ định của bác sĩ" - chị Sương cho hay.
Sau khi gội đầu, bệnh nhân được sấy khô tóc và thắt bím cho gọn. Ảnh: HL
“Trong thời gian nằm ở khoa, tôi nhận thấy các y bác sĩ ở khoa đã chăm sóc chồng tôi tận tình, chu đáo, mỗi lần vào gặp, tôi đều thấy chồng tôi rất sạch sẽ và khỏe hẳn lên mỗi ngày. Ngoài ra, các y bác sĩ cũng ăn nói rất nhẹ nhàng, ân cần với người nhà bệnh nhân” - chị Nguyễn Thị Thu Phương, vợ của bệnh nhân Trần Văn Tươi (sinh năm 1967), nắn nót viết vài dòng cảm nghĩ gửi lại khoa Hồi sức tích cực chống độc của BV Bình Dân như thay lời cảm ơn.
Bệnh nhân tại khoa được phục vụ mọi hoạt động ăn uống. Ảnh: HL
Chị Nguyễn Thị Bích Dung, điều dưỡng tại khoa, cho biết từ đầu năm đến nay, để phục vụ tốt hơn nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, khoa đã triển khai thêm nhiều sáng kiến nhằm chăm sóc toàn diện cho người bệnh, người nhà không cần phải hỗ trợ như trước. Một trong những sáng kiến đó là tắm, gội đầu, chăm sóc răng miệng cho tất cả bệnh nhân tại khoa chứ không chỉ riêng bệnh nhân phải thở máy.
Xe tắm bệnh đa năng có thể gội đầu, chăm sóc răng miệng, tắm cho bệnh nhân. Ảnh: HL
“Ban đầu, chúng tôi tính gội dung dịch sát khuẩn khô và tắm khô cho bệnh nhân. Nhưng khi thử nghiệm cho bản thân và bệnh nhân thì chúng tôi thấy tóc có vẻ rụng nhiều hơn và không thoải mái bằng gội đầu, tắm bằng nước”, chị Dung kể về sáng kiến xe tắm bệnh vừa giúp bệnh nhân gội đầu, tắm và chăm sóc răng miệng.
Ngoài ra, đặt mình vào hoàn cảnh bệnh nhân, khoa cũng thay đổi những chi tiết nhỏ nhặt giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất. Chẳng hạn, lo lắng bệnh nhân giãy giụa sẽ làm dây cố định tay vào thành giường siết đau, dây cột tay bản lớn đã được thay thế nhằm hạn chế sự ma sát. Nhận thấy băng keo dán cố định ống nội khí quản cho bệnh nhân có thể gây dị ứng, khoa đã có sáng kiến luồn dây qua ống nhựa giúp không gây đau đớn trầy xước da chỗ miệng. Để giữ ấm, đảm bảo vô trùng, đồng thời hạn chế người bệnh giãy giụa bị thương, bao tay vải chỉ chừa chỗ luồn ngón tay đo nồng độ ôxy trong máu cho bệnh nhân... đã ra đời. Thậm chí, có bệnh nhân tỉnh táo muốn nghe nhạc Lệ Quyên cũng được đáp ứng.
Bệnh nhân được quan tâm chi tiết nhỏ nhặt nhất từ bao tay giữ ấm (trái) đến dây cố định tay bản lớn (phải). Ảnh: HL
Thư phản hồi tích cực của thân nhân bệnh nhân thay lời cảm ơn. Ảnh: HL
Nói về hoạt động đổi mới cải tiến cách chăm sóc cho người bệnh tại khoa, BS CK2 Phạm Thị Nga, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho hay sự hài lòng của người bệnh và thân nhân cũng là niềm vui của đội ngũ y bác sĩ tại khoa.
“Hiện khoa có 20 giường bệnh, tiếp nhận bệnh nhân nặng, sau phẫu thuật toàn bệnh viện hoặc tuyến dưới chuyển lên kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng, sốc nhiễm trùng. Việc chăm sóc toàn diện không cần kết hợp với người nhà còn giúp đảm bảo điều kiện vô trùng, giúp bệnh nhân hồi phục thuận lợi” - BS Nga nói.