Mới thấy anh cà phê sáng Sài Gòn rồi chạy xe máy mười mấy cây số về Gò Vấp, râu tóc bạc phơ tua tủa ngược gió cùng hai tay áo “cánh dơi” phất phơ bay. Buổi chiều gọi điện thoại đã nghe anh đang ở Đà Nẵng để sáng mai thị phạm, chỉ huy anh em thợ đá đục đẽo, mài giũa một pho tượng hay vừa bay ra Hà Nội theo dõi một công trình điêu khắc nào đó. Phạm Văn Hạng sống và làm hết mình với đam mê bất tận.
Con người chịu chơi đam mê bất tận
Dạo này Phạm Văn Hạng đang ở Đà Lạt lo chỉnh trang vườn tượng và phòng trưng bày tượng thành một “Vườn kỷ niệm” tổng hợp nghệ thuật sắp đặt. Anh bảo chủ đề của sắp đặt này là “Ước mơ hòa bình - hạnh phúc” với ước mong đời rộng mở tâm hồn để cái đẹp lan tỏa... Khu vườn đá của Phạm Văn Hạng ở góc đường Hùng Vương - Yên Thế (Đà Lạt) có hàng trăm pho tượng đá lớn nhỏ đủ thể loại. Lâu nay quá bận rộn, thỉnh thoảng anh mới lên thăm, bỏ bê cỏ mọc tràn lan, chỉ có tấm bia đá khổng lồ với chữ ký của nhà điêu khắc vẫn vững chãi ở ngay cổng vườn. Còn trong căn phòng rộng rãi trưng bày hàng trăm tượng bán thân các danh nhân văn hóa, văn nghệ sĩ nổi tiếng do Phạm Văn Hạng tạc trong gần 30 năm qua bụi cũng phủ mờ. Những pho tượng lặng im chờ đợi, thỉnh thoảng Phạm Văn Hạng đi ta bà về mang hơi ấm vào sưởi căn phòng lạnh lẽo.
Anh bảo: “Những ngày cuối đời, mình tranh thủ thời gian còn lại làm một cái gì cho mình”. Phạm Văn Hạng có hai dự án ấp ủ hơn 20 năm qua là “Biểu tượng thống nhất” và “Nhà nguyện tình yêu” - mà Trịnh Công Sơn gọi là “Đền tình”. Đó là hai dự án đã được Trịnh Công Sơn và anh thống nhất bàn bạc và thiết kế nhưng hơn 20 năm qua vẫn chỉ nằm trên giấy vì không đủ tiền thực hiện. Phạm Văn Hạng vẫn còn nuôi hy vọng một hôm nào đẹp trời sẽ có một đại gia chịu chơi đồng điệu, bỏ kinh phí đầu tư xây dựng. Chí ít cũng được ngôi “Đền tình”. Để anh được trực tiếp thực hiện ước mơ trước khi chia tay cuộc đời.
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, đồng tác giả cầu Rồng bắc qua sông Hàn, Đà Nẵng cùng với kiến trúc sư Thomas (người Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bức phù điêu làm bằng... da người
Nhắc tới Phạm Văn Hạng, nhiều người yêu hội họa trước năm 1975 chắc còn nhớ “chuyện động trời” xảy ra vào năm 1970. Nhân cuộc triển lãm hội họa-điêu khắc quốc tế tại Hội Hồng thập tự (nay là Hội Chữ thập đỏ) trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), Phạm Văn Hạng tham gia trưng bày một tác phẩm “kinh hoàng” có tên là Chứng tích do Trịnh Công Sơn đặt. Bức Chứng tích gồm mấy mảnh da thịt người bị bom xé nát, vài cọng thép gai, mấy mảnh bom, vỏ đạn và mấy đầu đạn gắp ra từ các ca giải phẫu đem lắp ghép vào... Tác phẩm phủ vải đen chờ khai mạc đã bị cảnh sát phát hiện, mang đi trước khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khai mạc.
Kể lại chuyện này, Phạm Văn Hạng cho biết trận chiến Tết Mậu Thân 1968 ở Huế ám ảnh anh. Anh đã thấy những xác người khắp nơi trong TP, như lời bài hát Hát trên những xác người của Trịnh Công Sơn: “Chiều đi qua bãi dâu/ Hát trên những xác người...”. Chiến cuộc ngày càng ác liệt. Mảnh bom, vỏ đạn cùng với xác người. Có khi anh nhìn thấy những xác chết không toàn thây, không người thân nhận xác, hoặc không ai nhận ra, thịt da vương vãi khắp nơi. Phạm Văn Hạng đi nhặt gom những mảnh bom, đạn với ý định mai này sẽ làm một bức phù điêu từ những mảnh bom, vỏ đạn để phản đối chiến tranh. Rồi anh lại đi nhặt nhạnh từng miếng da thịt, xương tay chân người, rồi đi tìm xin formol về ướp, chờ cơ hội làm một bức phù điêu bằng da thịt người đem trưng bày để phản đối chiến tranh.
Nhân có cuộc triển lãm quốc tế Hồng Thập Tự, qua Chi hội Quảng Trí, anh đem mớ thịt da đó đắp thành tác phẩm để mang vào Sài Gòn dự triển lãm nhằm lên án chiến tranh trước thế giới. Trong khi chờ chở đi Sài Gòn, anh đựng tác phẩm kinh hoàng này trong một cái thùng gửi ở nhà Trịnh Công Sơn. Anh Sơn mở ra xem đã tá hỏa và đậy lại ngay rồi bảo “để ở đây, mạ mình thấy chắc bà chết ngất”. Thế rồi Phạm Văn Hạng đem qua gửi ở Tòa Tổng Giám mục Huế, có linh mục Nguyễn Kim Bính mới ở châu Âu về rất tôn trọng sự sáng tạo, ủng hộ ý tưởng làm bức phù điêu này nhằm phản đối chiến tranh. Bức phù điêu da thịt người của Phạm Văn Hạng được đưa vào Sài Gòn, tuy chỉ trưng bày có mấy tiếng đồng hồ nhưng đã gây được tiếng vang lớn.
Về hội họa, Phạm Văn Hạng khởi đầu từ Trừu tượng - tên cuộc triển lãm đầu tiên ở Huế (năm 1967), sau đó chuyển sang Siêu thực - tên cuộc triển lãm cá nhân tại Pháp văn Đồng Minh hội, Sài Gòn (năm 1971). Hai năm sau, Phạm Văn Hạng triển lãm Tranh & Tượng tại Hội Việt Mỹ (năm 1973). Từ sau năm 1975, Phạm Văn Hạng có mấy triển lãm cá nhân: Lần đầu năm 1989 tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hà Nội) với những bức chân dung tự họa của anh. Triển lãm cá nhân Mộng & Thực tại gallery Tự Do (Sài Gòn, năm 1999). Phòng tranh được giới chuyên môn đánh giá cao, coi như sự hồi sinh của hội họa Phạm Văn Hạng.
Bắt đầu làm lại... và những chuyện buồn vui
Phạm Văn Hạng kể sau ngày thống nhất anh chạy xe ôm, đi bán xôi... kiếm ăn qua ngày. Đến năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, anh được gặp nhà văn hóa - GS sử học Đào Duy Anh. Qua gợi ý của cụ Đào, Phạm Văn Hạng phác thảo ý tưởng sẽ lên núi Côn Sơn khắc những nội dung quan trọng của tư tưởng Nguyễn Trãi trên núi đá. Bản phác thảo được cụ Đào Duy Anh trao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Huy Cận, thành viên ban tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm sinh nhật Nguyễn Trãi. Nhưng các ông có lẽ “trăm công nghìn việc” nên Phạm Văn Hạng chờ mãi mà không thấy hồi âm!
Sau đó qua sự giới thiệu của mấy nhà báo, Phạm Văn Hạng được tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng mời về làm một pho tượng tôn vinh mẹ Việt Nam tại quê hương anh. Anh về Đà Nẵng làm tác phẩm gò hàn Mẹ dũng sĩ, cao 12,50 m. Tượng được làm từ những vỏ đạn đại bác, hiện nay vẫn sừng sững ở cửa ngõ TP Đà Nẵng. Đó là công trình điêu khắc quan trọng đầu tiên của Phạm Văn Hạng sau ngày thống nhất. Từ sau đổi mới, Phạm Văn Hạng là một trong số ít nhà điêu khắc đắt sô với nhiều công trình lớn, từ những tượng đài hoành tráng và một số tượng anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử, văn hóa như tượng đài 23 tháng 9 (TP.HCM); tượng bác sĩ Yersin (Đà Lạt); tượng đồng Tả quân Lê Văn Duyệt (hiện đặt trong chánh điện lăng Ông, Bình Thạnh, TP.HCM). Phạm Văn Hạng là đồng tác giả cầu Rồng bắc qua sông Hàn, Đà Nẵng cùng với kiến trúc sư Thomas (người Mỹ), đặc biệt với tượng rồng phun nước, phun lửa.
Phạm Văn Hạng tâm sự để có hợp đồng nuôi được nghề, nhiều khi phải nhận nhiều ý kiến đóng góp của những người đặt hàng hay các nhà tài trợ nên cũng gây không ít khó khăn cho công việc, khó độc lập sáng tạo. “Góp ý ít thì cũng ráng nhưng chỗ nào góp ý quá nhiều thì không còn sự độc sáng của cá tính tác giả”. Anh kể một chuyện mà nhiều văn nghệ sĩ Bình Định chắc còn nhớ. Phác thảo tượng đài Quang Trung của Phạm Văn Hạng đã được UBND tỉnh Bình Định trình lên Thủ tướng Phan Văn Khải và được Thủ tướng duyệt. Thế nhưng nhà tài trợ đề nghị anh chỉnh gương mặt Nguyễn Huệ cho hao hao giống một lãnh đạo bấy giờ nên Phạm Văn Hạng cương quyết từ chối. Bản sao phác thảo ấy về sau hình như có người đã làm; còn bản chính thì có một đại gia xin đúc đồng đem về dựng trong khuôn viên biệt thự của ông ta bên khu Trung Sơn, Bình Chánh, TP.HCM.
Tập thơ bằng đồng duy nhất ở Việt Nam Phạm Văn Hạng còn là nhà thơ. Thơ anh súc tích, ngắn gọn, đậm tính triết lý như những câu ngạn ngữ. Tập Thơ Phạm Văn Hạng (NXB Hội Nhà văn, năm 2007) gồm 29 bài thơ ngắn. Xin trích vài câu: Đất trời không giấu mặt/ Đời người mãi thực hư hoặc Những tấm gương luôn vỡ/ Sự phản chiếu không mòn... Tất cả đều không có đầu đề, được dịch ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa và dĩ nhiên tiếng Việt. Anh để người đọc tự đặt tên bài thơ. Ngoài những bản in thường, Thơ Phạm Văn Hạng còn có độc bản gò đồng theo thủ bút của tác giả, khổ 50 x 65 cm, nặng 220 kg. Đây có lẽ là tập thơ... bằng đồng duy nhất ở Việt Nam, hiện trưng bày tại phòng triển lãm tranh tượng của anh ở Đà Lạt. |