Cuối những năm 1960 - đầu những năm 1970 là thời kỳ trăn trở, dằn vặt giữa mộng và thực của họa sĩ Rừng - nhà văn Kinh Dương Vương.
Tranh Rừng và truyện Kinh Dương Vương phơi bày bộ mặt thật trần trụi của cuộc chiến với vô vàn đau thương tang tóc, với những nét quằn quại, màu sắc dữ dội của những cơn ác mộng cũng như thân phận con người trong chiến tranh.
Mơ về một quê hương thanh bình
Những truyện ngắn tiêu biểu của Kinh Dương Vương: Những chiếc mặt nạ cười, Đường kiến, Xác kẻ thù, Kẻ đào ngũ, Mắt trời mù… Và tranh phản chiến của Rừng khởi đầu thể hiện qua các bức Vòng hoa chiến thắng vẽ ba người lính Cộng hòa mang trên đầu vòng hoa mà mỗi đóa hoa là một chiếc sọ người, hay bức Bào thai đen vẽ người đàn bà mang một cái bào thai đen của một lính Mỹ đen nào đó được nhìn qua X-quang (cuộc triển lãm tại Phòng Thông tin Đô thành do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức năm 1966). Cả hai bức mang nội dung tố cáo cuộc chiến phi nghĩa.
Từ sau Hiệp định Paris năm 1973, ở tuổi ngoài 30, sau khi hoàn hồn trở về từ cõi chết (bị động viên đi lính rồi đào ngũ, bị bắt đi “lao công đào binh”…), Rừng đã “chín” hơn trong nghệ thuật và ngọn lửa tâm hồn đã dịu lại với những mảng màu sắc tuy còn nóng nhưng là cái nóng âm ỉ. Những hình thể, nhân vật trong tranh Rừng bớt u uất, bớt khổ lụy hơn, đẹp hơn và dễ gần hơn. Thời gian này Rừng với tôi cùng hoàn cảnh, ở chung một căn nhà nhỏ trên đồi ở ngoại ô thị xã Buôn Ma Thuột. Đêm đêm hai đứa tôi lang thang trên con đường nhỏ, ngắm trăng và mơ mộng về một quê hương thanh bình. Với những giấc mơ về một thế giới kỳ ảo, Rừng vẽ những phụ nữ khỏa thân, lúc ẩn lúc hiện trong đá núi, trong hoang mạc, lúc bay lửng lơ trên đồng lúa, rừng xanh, khi nằm chơi vơi trên những tàu lá chuối như mời gọi. Những bức Khỏa thân xanh, Khỏa thân đỏ, Đàn bà miền núi... mang đầy chất bản năng, nhục dục nhưng ngược lại vẫn có gì đấy thiêng liêng, cao quý, bí ẩn.
Họa sĩ Rừng - nhà văn Kinh Dương Vương.
Thời mở cửa lại lao vào vẽ như điên
Thời kỳ bao cấp sau năm 1975, họa sĩ Rừng - nhà văn Kinh Dương Vương trở lại là công dân Nguyễn Tuấn Khanh (tên thật của anh), phải lo chạy gạo nuôi con.
Đến thời kỳ đổi mới, mở cửa, Rừng lao vào vẽ như điên. Và cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Rừng sau ngày thống nhất mang tên Bình minh mới tại Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 1987 với 2/3 là tranh khỏa thân, một đề tài gần như bị cấm kỵ trước đó. Bức tranh có tên Bình minh mới - được lấy làm chủ đề của phòng tranh - vẽ một thiếu nữ khỏa thân bay trong một không gian bao la với một tư thế vươn tới, hết sức thoải mái, hai bầu ngực căng phồng trên một thân thể tràn đầy nhựa sống, vươn lên đón những tia nắng bình minh rực rỡ. Phòng tranh Bình minh mới của Rừng là một sự kiện quan trọng của sinh hoạt mỹ thuật bấy giờ.
Sau khi gây được tiếng vang lớn với phòng tranh Bình minh mới, Rừng còn có thêm vài cuộc triển lãm nữa như ở Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (năm 1988), Gallery Tự Do (năm 1989) và Hội Nhà báo TP.HCM (năm 1992). Loạt tranh tại các triển lãm này vẫn tiếp tục thể hiện những khám phá mới về mặt tâm thức của Rừng cũng như những ám ảnh, dằn vặt về số phận, về nỗi cô đơn của kiếp người. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này như Cây giọt lệ, Những trẻ nghèo, Người đàn ông trong trang phục xanh... Đặc biệt bức Lên đồng vẽ một người xanh xao, ngồi xếp bằng, một tấm vải đỏ phủ kín phía trên thân người, quanh đầu là những quầng hào quang mờ ảo - có lẽ đó là hình ảnh “lên đồng” trong tiềm thức của Rừng, để rồi sau đó hồn nhiên bước vào một thế giới sắc màu vừa hư vừa thực mà anh gọi là Phiêu du mộng tưởng - Ánh sáng và Bóng tối. Phòng tranh của Rừng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 1993 với 36 bức sơn mài khổ lớn đã đưa người xem vào một thế giới bất ngờ đầy màu sắc của mộng tưởng, của những cõi xa xăm trong tiềm thức. Bố cục tranh thật lạ lùng với những đường cong lượn bên những đường thẳng, hình vuông sát với hình tròn tạo nên một thế đối nghịch nhưng lại hòa điệu với nhau. Những màu vàng, nâu, đỏ của cõi hồng hoang chen lẫn màu đen của bóng tối, màu trắng của ánh sáng. Một thế giới hoàn toàn khác của Rừng, cái thế giới mộng tưởng của ánh sáng và bóng tối để mà phiêu du như là một quá trình tu tập trong nghệ thuật, từ tụng kinh gõ mõ (có hình thể, bố cục) đến quên cả chuông mõ (vẽ như nhập đồng - có thể xuất phát từ ý thức nhưng tác phẩm lại hiện lên trong trạng thái vô thức - tranh siêu thực), từ cõi trầm luân khổ ải thoát ra thế giới bình an - hoàn toàn do cơ duyên đưa đẩy.
Thoát khỏi thế giới mộng tưởng
Năm 1997, Nhà xuất bản Văn Mới ở Mỹ ấn hành hai tuyển tập Kinh Dương Vương viết trước năm 1975: Những chiếc mặt nạ cười và Mắt trời mù đánh dấu giai đoạn Kinh Dương Vương tạm ngưng viết. Thời gian này ở Mỹ, Rừng chỉ vẽ và vẽ. Những bức tranh mang nặng dấu ấn của một xã hội công nghiệp mà anh vừa chân ướt chân ráo đến đã bị choáng ngợp và không thể nào hòa nhập được. Những hình thể tượng trưng, những máy móc bị biến dạng, vừa có vẻ hiện thực vừa như huyễn tưởng. Anh cho các đồ vật bay lơ lửng như tâm cảnh của anh đang bay cùng chúng. Rừng là một nghệ sĩ luôn luôn đi tìm cái mới, không lặp lại chính mình, mau chán cái đã thủ đắc. Loạt tranh mang tên Trên tầng thanh khí mà Rừng mang về Việt Nam (VN) triển lãm mấy năm sau đã mở rộng ra cái thế giới phiêu du mộng tưởng của anh trước đó nhưng màu sắc tươi tắn hơn, rực rỡ hơn, trong trẻo hơn như ở một cõi ngoài, bình yên và hạnh phúc. Hình như Rừng đã vượt thoát khỏi cái thế giới mộng tưởng để chạm tới một tầng không mênh mông ở một thế giới nào đó. Rừng nói: “Cái đẹp tìm thấy thì nó sẽ biến đổi, mà là biến đổi trong tâm thức!”.
Theo tôi, tác phẩm quan trọng nhất của Rừng sau năm 1975 có lẽ là bức tranh khổ lớn Hồi ức chiến tranh (trong tuyển tập hội họa của Bảo tàng Mỹ thuật VN đề là Ký ức chiến tranh), lấy bối cảnh là cuộc tàn sát thường dân vô tội làng Mỹ Lai (Quảng Ngãi) của lính Mỹ. Ban đầu tác giả đặt tên tranh là Tội ác Mỹ Lai (gợi nhớ đến tác phẩm nổi tiếng Guernica của Picasso tố cáo cuộc thảm sát ở làng Guernica, Tây Ban Nha thời nội chiến), sau đổi tên là Hồi ức chiến tranh. Có thể nói đây là họa phẩm hoành tráng, có giá trị tố cáo tội ác chiến tranh đanh thép nhất của hội họa VN đương đại.
Họa sĩ Rừng có hàng chục cuộc triển lãm cá nhân ở Sài Gòn, Hà Nội, Hoa Kỳ và nhiều triển lãm chung trong và ngoài nước trong hơn 50 năm cầm cọ. Truyện Kinh Dương Vương thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín ở miền Nam như Bách khoa, Văn, Văn học… những năm cuối 1960 - đầu 1970. Trước đây, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn ở Mỹ, Rừng nói: “Tôi linh cảm rằng nghệ thuật của tôi chỉ có thể lớn lên từ VN và cũng từ VN thế giới biết đến nghệ thuật của tôi: Một họa sĩ VN”. Đó là lý do hơn 20 năm qua, Rừng thường xuyên đi đi về về giữa VN và Mỹ, mở nhiều triển lãm cá nhân. |