Sáng 18-5, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết nơi đây vừa thực hiện một ca điều phối đặc biệt: Đưa một trái tim từ BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội tới BV Trung ương Huế.
“Ngồi” riêng một ghế trong suốt chuyến bay
Trước đó, ngày 15-5, thông tin hiến tạng được cung cấp từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. Trái tim được hiến là của một nam thanh niên rất khỏe mạnh không may bị tai nạn giao thông và được xác định là chết não sau đó. Gia đình người này đã quyết định hiến tặng toàn bộ mô, tạng để con trai mình được tiếp tục sống thêm một lần nữa và cũng là để cứu những bệnh nhân hiểm nghèo khác.
Ngay trong ngày, dưới sự chỉ đạo của GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng ghép tạng BV Trung ương Huế, BV đã cử một kíp bác sĩ đến Hà Nội phối hợp đánh giá sự tương thích của nguồn tạng người cho ở Hà Nội với người nhận ở Huế.
Đến 3 giờ sáng 16-5, khi vừa có kết quả cho biết phản ứng đọ chéo là tương thích với người nhận ghép tim tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã quyết định cho phép kíp mổ tim BV Trung ương Huế phối hợp với các kíp mổ tại Hà Nội phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não lúc 5 giờ sáng cùng ngày.
Sau khi nhận được thông tin về ca điều phối, vận chuyển, Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airlines đã lên phương án hỗ trợ tối đa để tiếp nhận và vận chuyển thùng đựng tạng cùng êkíp lấy, điều phối trái tim từ Hà Nội vào Huế. Thậm chí tổng công ty hàng không còn quyết định dành một ghế miễn phí cho thùng đựng tạng để kíp bác sĩ có thể chăm sóc và bảo quản tạng tốt nhất trong suốt quá trình di chuyển. Trái tim hiến đã được vận chuyển thành công đến phòng mổ tim BV Trung ương Huế lúc 10 giờ 45 ngày 16-5.
Trái tim được vận chuyển trên máy bay, vượt quãng đường hơn 700 km từ Hà Nội đến Huế. (Ảnh do BV cung cấp)
Gần 3 giờ chạy đua với thần chết
Tại BV Trung ương Huế, kíp phẫu thuật tim, đứng đầu là ThS-BS Trần Hoài Ân, kíp gây mê hồi sức do BSCKII Đặng Thế Uyên phụ trách, dưới sự chỉ đạo của GS-TS Phạm Như Hiệp đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ quả tim bệnh lý và ghép quả tim hiến khỏe mạnh vào cơ thể người nhận.
“Toàn bộ các kíp mổ, kíp gây mê, kíp tuần hoàn ngoài cơ thể, kíp rửa tạng đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất để chạy đua với thời gian” - GS-TS Phạm Như Hiệp cho hay.
Cũng theo BS Hiệp, tổng thời gian quả tim hiến thiếu máu là 5 giờ 30 phút, nằm trong giới hạn cho phép thiếu máu của quả tim ghép là từ bốn đến sáu giờ. Quả tim ghép đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh lúc 13 giờ 25 ngày 16-5.
Bệnh nhân ghép tim được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức tim lúc 17 giờ cùng ngày sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Đây là ca ghép tim khó do thời gian vận chuyển quả tim từ Hà Nội về Huế đã mất hơn ba tiếng đồng hồ.
Đến 8 giờ ngày 17-5, bệnh nhân may mắn được ghép tim đã hoàn toàn tỉnh táo, huyết động ổn định, tự thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng cơ thể.
“Bệnh nhân này đã được điều trị tại bệnh viện nhiều tháng nay. Sau khi phẫu thuật thành công, người nhà rất vui mừng và xúc động cám ơn người hiến tim, gia đình người hiến tim cùng chúng tôi. Bởi vì trong trường hợp bệnh nhân bị suy tim như thế này, nếu không được chữa trị kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đang tiến triển rất tốt” - GS-TS Phạm Như Hiệp nói.
Trong sáng 17-5, ban giám đốc BV Trung ương Huế đã đến thăm và chúc mừng bệnh nhân cùng gia đình bệnh nhân ghép tim xuyên Việt này. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lẵng hoa và quà chúc mừng kíp phẫu thuật ghép tim. Đây là ca ghép tim lần thứ ba của BV Trung ương Huế. BV này đã làm chủ được kỹ thuật ghép tim từ năm 2011.
Hai sự cố thót tim trong quá trình ghép GS-TS Phạm Như Hiệp cho biết sau khi ghép quả tim vào người nhận thì xảy ra những khó khăn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân: “Cụ thể là trong trường hợp này, khi đã phẫu thuật ghép tim vào rồi nó đập không có hiệu quả, không đẩy máu đi được nhiều nên có nguy cơ dẫn đến suy tim. Tuy nhiên, kíp phẫu thuật đã gấp rút sử dụng những biện pháp hỗ trợ để tăng nhịp tim lên, kiểm tra liên tục bằng siêu âm qua thực quản và đặc biệt là thực hiện các biện pháp để tăng cường lực bóp của tim. Cứ như thế, đến khoảng nửa giờ đồng hồ sau thì tim đập nhịp tốt. Một khó khăn nữa là sau khi mổ xong thì xuất hiện chảy máu ở điểm sau của xương ức vì chỗ đó là khó may nhất. Đặc biệt, đối với ghép tim thì đây là điều rất nguy hiểm. Nhưng sau khi tiến hành các biện pháp thì chúng tôi đã cầm máu được cho bệnh nhân”. Kinh phí cực kỳ đắt đỏ GS-TS Phạm Như Hiệp thông tin kinh phí để phẫu thuật một ca ghép tim trên thế giới lên đến 300.000 USD, thậm chí có ca lên đến 1 triệu USD. Còn kinh phí cho ca phẫu thuật ghép tim ở BV Trung ương Huế như mới đây thì vẫn chưa có thống kê cụ thể vì quá trình điều trị còn dài và có nhiều diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, kinh phí ước tính từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. |