Chiều 19-4, TAND TP.HCM đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ đưa hối lộ, môi giới hối lộ của hai đường dây mua bán logo “xe vua” do Nguyễn Văn Thới và Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu. Theo HĐXX, qua một ngày xét hỏi đã phát hiện vụ án còn nhiều tình tiết chưa rõ, người môi giới hối lộ thì thành khẩn khai báo nhưng có những bị cáo đưa hối lộ lại phản cung, phủ nhận lời khai tại CQĐT...
Người đưa hối lộ đổi lời khai
Tại tòa, bị cáo Thới phủ nhận hoàn toàn lời khai trong quá trình điều tra, phủ nhận cả nội dung cáo trạng. Theo Thới, cáo trạng quy kết Thới nhờ ông NHN đưa 110 triệu đồng cho ông LHK (Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) là tiền đóng phạt cho các xe vi phạm chứ không phải là tiền đưa hối lộ. Thới còn nói mình không hề thỏa thuận, đưa hối lộ cho CSGT, thanh tra giao thông (TTGT).
Khi HĐXX truy rằng các lời khai trong quá trình điều tra của Thới rất chi tiết về số tiền đưa hối lộ, đưa cho những ai… thì Thới nói đã bị điều tra viên bức cung, chích điện nên “hoảng loạn khai đại”.
Thới khai lại tại tòa rằng bị cáo chỉ in logo và bán cho các lái xe, chủ xe để dán lên xe nhưng các logo này không có quyền năng gì. Sau đó Thới thuê người đi canh các tuyến đường có tổ CSGT, TTGT đang công tác, kiểm tra. Nếu có thì những người này sẽ báo lại cho Thới, Thới báo lại cho các lái xe, chủ xe để né các tuyến đường này. Nếu ai đã mua logo của Thới mà bị CSGT bắt vi phạm thì Thới nộp phạt thay.
Thới cũng phủ nhận việc nhờ Nguyễn Cảnh Chân (cựu cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) môi giới hối lộ. Thới khai quen biết Chân trong một lần đi đám ở TP Biên Hòa nhưng không biết Chân là CSGT. Thới chỉ liên lạc với Chân qua điện thoại, đưa 1,2 tỉ đồng để nhờ Chân đóng phạt và mướn xe ôm canh đường chứ không nhằm mục đích hối lộ cho CSGT, TTGT để “bảo kê” xe quá tải. Cho đến khi bị bắt Thới mới biết Chân là CSGT.
Tương tự, bị cáo Vân cũng “tố” tại tòa là bị điều tra viên hù dọa sẽ treo giò, chích điện nên sợ hãi mà khai theo. Giờ Vân khai lại là chỉ dán logo cho khoảng 500-600 xe chứ không phải 15.000 xe như cáo trạng truy tố. Số tiền thu được từ việc bán logo cũng không phải là 22 tỉ đồng. Vân thừa nhận việc đưa hối lộ cho cán bộ Đội CSGT TP.HCM nhưng chỉ hơn 400 triệu đồng chứ không phải 627 triệu đồng.
Các bị cáo trong đường dây mua bán logo “xe vua” bị tạm giam. Ảnh: H.YẾN
Cựu CSGT thành khẩn nhận tội
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân lại thành khẩn thừa nhận hoàn toàn hành vi và tội danh môi giới hối lộ mà cáo trạng truy tố.
Đối chất công khai tại tòa với Thới, Chân khai: Thới gặp Chân và đặt vấn đề giúp các xe vi phạm của Thới không bị xử phạt. Chân khẳng định các xe chở quá tải có gắn logo Thành Đô của Thới là xe gửi hằng tháng và hành vi này diễn ra từ tháng 7-2014 đến khi CQĐT phát hiện.
Cụ thể, Thới nhờ Chân tìm người giúp cho xe chở quá tải của Thới. Từ đó, Chân đã trực tiếp giới thiệu cho Thới ông VVS (Đội trưởng Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai). Ban đầu Thới đưa cho Chân 60 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên. Tổng cộng Chân chuyển cho ông S. hơn 600 triệu đồng.
Giữa năm 2015 ông S. mất, Thới nhờ Chân tìm người giúp. Chân đã nhờ ông ĐHT (Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) và ông này đồng ý giúp. Ban đầu Thới chuyển cho Chân 120 triệu đồng, sau đó đưa nhiều lần khác nữa, tổng cộng là 600 triệu đồng. Chân đưa lại cho ông T. 300 triệu đồng.
Chủ tọa yêu cầu Thới đối chất thì bị cáo này liên tục khẳng định mình không nhớ vì thời gian đã quá lâu.
Chủ tọa quay sang hỏi Chân: “Trong quá trình điều tra, CQĐT có cho bị cáo nhận diện ông T. qua hình có đúng không?”, Chân trả lời là có và cho biết đã nhận diện ra ông T. Chủ tọa hỏi tiếp: “Khi hỏi CQĐT có cho bị cáo đối chất với ông T. không?”. Chân khẳng định là không.
Hồ sơ thể hiện Chân đã đưa hơn 659 triệu đồng cho ông S. (đã chết), đưa 300 triệu đồng cho ông T. Theo đó, mỗi khi Thới gọi điện thoại báo xe tải mua logo đang bị kiểm tra, Chân đều phải gọi điện thoại cho ông S. và ông T. can thiệp bỏ qua. Sau khi VKSND Tối cao trả hồ sơ điều tra bổ sung, CQĐT đã đổi tội danh Chân từ nhận hối lộ sang môi giới hối lộ. Theo CQĐT, Chân là cán bộ CSGT nhưng là cấp dưới, không có chức năng, thẩm quyền bỏ qua lỗi xe vi phạm. Mỗi khi Thới nhờ, Chân đều phải gọi điện thoại báo cấp trên can thiệp. Vì vậy, Chân đã có hành vi làm trái công vụ, nhận tiền của Thới đưa cấp trên nhằm bảo kê xe quá tải mua logo.
Dù hồ sơ xác định Chân nhận tiền của Thới đưa cho cấp trên nhưng do ông S. đã mất, ông T. thì khai không quen biết, không nhận tiền của Thới nên không bị xử lý hình sự. Từ đó Chân phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ của Thới là hơn 1,2 tỉ đồng.
Tại tòa, nhiều bị cáo khác khai từng đưa hối lộ cho đích danh một số cán bộ Đội 7, Đội 8 TTGT TP.HCM. Các bị cáo này cũng khẳng định CQĐT chỉ cho nhận dạng qua ảnh chứ chưa cho họ đối chất với những cán bộ này.
Đây đã là lần thứ ba vụ án này được các cơ quan tố tụng nhận định cần trả hồ sơ cho CQĐT điều tra bổ sung làm rõ. Trước đây, khi CQĐT vừa hoàn tất hồ sơ, chuyển cho VKSND Tối cao thì VKSND Tối cao từng trả, yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc làm rõ những người nhận hối lộ. Tuy nhiên, CQĐT cho biết không chứng minh được và chuyển lại hồ sơ để VKSND Tối cao truy tố. Trước khi mở phiên xử này, TAND TP.HCM khi nghiên cứu vụ án cũng đồng quan điểm là cần trả lại hồ sơ để làm rõ các vấn đề đặt ra trước đó. |