Điều trị thành công trường hợp viêm não tự miễn

(PLO)- Viêm não tự miễn do kháng thể kháng neuron thần kinh là nguyên nhân viêm não phổ biến, đứng thứ ba sau virus và ADEM (bệnh lý thoái hóa myelin).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-12, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa điều trị trường hợp viêm não tự miễn.

Trước đó, BV tiếp nhận chị NTGH (16 tuổi, ở Bình Dương) trong tình trạng lơ mơ, co giật vùng cổ và mặt.

Người nhà cho biết trước khi nhập viện khoảng một tháng, chị H có các triệu chứng rối loạn về tâm thần như ảo thanh (nghe tiếng nhạc bên tai), nói nhảm, kích động… Mặc dù chị H được điều trị tại chuyên khoa tâm thần nhưng triệu chứng không cải thiện. Chị H tiếp tục xuất hiện các cơn co giật và được điều trị thuốc chống động kinh nhưng vẫn không có kết quả nên được đưa đến BV Nhân dân Gia Định.

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe chị H sau khi điều trị khỏi bệnh. Ảnh: BVCC

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe chị H sau khi điều trị khỏi bệnh. Ảnh: BVCC

Chị H được nhập tại khoa Nội thần kinh. Tại đây, BS khám, xét nghiệm công thức máu, chụp cộng hưởng từ não, chọc dò dịch não tủy và xét nghiệm miễn dịch… Kết quả cho thấy chị H dương tính với dấu ấn kháng thể kháng thụ thể NMDA (M-methyl-D-aspatic acid), chẩn đoán viêm não tự miễn do kháng thể kháng neuron thần kinh.

Chị H có chỉ định thay huyết tương tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Sau 2 tuần điều trị tích cực với 10 chu kỳ thay huyết tương, chị tỉnh táo, hỏi trả lời đúng tên và nói chuyện trực tiếp với người thân qua điện thoại.

Hiện sức khỏe chị H đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh BV Nhân dân Gia Định, cho biết viêm não tự miễn do kháng thể kháng neuron thần kinh là nguyên nhân viêm não phổ biến, đứng thứ ba sau virus và ADEM (bệnh lý thoái hóa myelin).

“Viêm não do kháng thể kháng thụ thể NMDA là nguyên nhân thường gặp nhất ở người trẻ, nữ nhiều hơn nam. Bệnh nhân đa phần có rất nhiều triệu chứng của bệnh và thứ tự xuất hiện các triệu chứng cũng thay đổi, không phải tất cả đều có đầy đủ triệu chứng ở lần thăm khám đầu tiên. Các triệu chứng cũng được ghi nhận thay đổi theo lứa tuổi” – BS Tân cho biết thêm.

Theo BS Tân, bệnh nhân nặng cần điều trị hồi sức tích cực (thở máy, chống co giật …) kết hợp thuốc ức chế miễn dịch và globulin miễn dịch, thay huyết tương. Nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp, bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Nếu được điều trị tích cực, 75% bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, 25% bệnh nhân sẽ để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm