Đô thị mới giữa… rừng U Minh Hạ

Gặp những cư dân đô thị trong rừng

Bà Nguyễn Hồng Hoa, 58 tuổi, cùng 3 đứa cháu nội ngừng tay bẻ bông sậy cười chua chát: “Hơn 10 năm vào đây, hằng ngày bà cháu tôi phải đi bẻ bông sậy bán cho người ta làm chổi kiếm sống. Bông sậy nhiều lắm, sậy mọc đầy ở khu đô thị đó mà. Người ta không vào đây ở thì cây nó ở, nó sinh sôi để cho mình bẻ bông chặt cây. Cây cỏ um tùm vậy đó nhưng ở đây, chúng tôi lại được gọi là cư dân của khu đô thị Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tui đố chú đi cả nước Việt Nam tìm ở đâu có khu đô thị mà người ta trồng mía hàng năm thu cả trăm tấn, sậy mọc um tùm như ở đây đó”. 

Chợ bỏ hoang do không có người mua bán.

Đúng là ở đây mía nhiều vô kể. Những hàng mía thẳng tắp, to khoẻ, lá rạp xuống như tấm lưng còng của những cư dân nơi đây hằng ngày đi bẻ bông sậy. Nếu không biết trước rằng đây là khu đô thị thì ai đến lần đầu sẽ ngỡ đây là rẫy mía của một nông trường nào đó trồng phục vụ cho nhà máy đường Thới Bình vốn đang khát nguyên liệu. Tôi đùa: “Vậy là dân ở đây giàu rồi còn gì, đất mênh mông trồng mía đã đời luôn”. Bà Hoa chua chát: “Có phải của chúng tôi đâu. Bên Ban quản lý dự án người ta cho một doanh nghiệp thuê trồng mía đó chớ. Chúng tôi chỉ sống nhờ vào những đám sậy này thôi”.

Thầy giáo Trần Mạnh Cường vào đây ở được 4 năm, khoe: “Tui mới lắp cái chảo để cho mấy đứa nhỏ xem phim hoạt hình. Ở đây hạ tầng ngon lành lắm, đường điện, cống thoát nước, vỉa hè, điện thoại, cây xanh... đều có cả, nhưng thiếu thốn trăm bề luôn”. Khi dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau được hình thành, ông Trần Văn Sanh - cha anh Cường - bị giải toả trắng 1,4ha đất vườn tạp và thổ cư.

Dự án bồi thường số tiền trên 300 triệu đồng vào thời điểm năm 1998. Số tiền cũng khá lớn, ông chia cho 5 người con đồng thời nhận 4 nền tái định cư của khu đô thị mới Khánh An này. Anh Cường vào đây ở để tiện bề dạy học. Ngày đầu vào khu đô thị, anh vấp phải những trở ngại từ thiên nhiên. Rùng mình, anh kể: “Rắn! Rắn nhiều lắm, không khéo là bị “ổng quở” như chơi. Bây giờ đỡ lắm rồi đó, lúc mới về đây tui thường xuyên gặp ổng (tiếng lóng của người dân dùng để gọi rắn). Lúc tui mần nhà này nè, mới phát mấy đám sậy đã gặp đến mấy ông rắn hổ đen thui. Sợ mấy ổng làm bậy, tui mần hàng rào hết và dặn mấy đứa nhỏ ban đêm không được ra khỏi nhà”.

Bà Nguyễn Thị Diền và ông Trần Văn Nhẫn, bị giải toả tại khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau từ năm 1998. Hai vợ chồng cùng với 9 người con nhường đất để xây dựng công trình quốc gia. Nhận được tiền bồi hoàn, trên 400 triệu đồng, hai ông bà chia năm xẻ bảy cho các con. Còn một ít tiền vào khu đô thị mới Khánh An xây nhà. Tuy nhiên, do từ trước đến giờ hai vợ chồng chưa từng cầm nhiều tiền như vậy trong khi nhu cầu chi tiêu cái gì cũng cần, con trai đòi mua xe máy đắt tiền, con gái đòi mua tivi, tủ lạnh loại tốt... nên chỉ một thời gian ngắn, hai vợ chồng chẳng còn lại bao nhiêu.

Đến lúc xây nhà, vét hết số tiền dành dụm còn lại cũng không đủ, ông bà đành bán nốt phần đất tái định canh 1,4ha lấy 80 triệu đồng. Không còn đất tái định canh để sản xuất, không nghề nghiệp nên hằng ngày chỉ ngồi nhà trông cháu. Bà Diền ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa: “Hồi ở bển (khu đất chưa bị giải toả) có 7 công vườn sống qua ngày cũng được, nay về đây hổng có mần gì ra tiền hết trơn nên cuộc sống khó khăn lắm. Mấy đứa con tui chịu hổng nổi nên bỏ đi lao động ở TPHCM, Bình Dương hết rồi...”.

Khu thể thao được xây dựng hoành tráng rồi bỏ đó.
Khu thể thao được xây dựng hoành tráng rồi bỏ đó.

Hoang phế nhiều công trình dân sinh

Để phục vụ cho nhu cầu giải toả của 170 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng khu tái định cư cho người dân với quy mô trên 100ha gọi là khu đô thị mới Khánh An. Song song, chủ đầu tư cũng cấp đất tái định canh cho người dân. Chủ đầu tư còn xây dựng 70 căn nhà “đại đoàn kết”, 48 nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình chính sách của tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, dự án được quy hoạch gồm nhiều công trình công cộng, công trình dân sinh như: Chợ, trường học; khu văn hoá, thể thao; nhà điều hành, khu chức năng...

Tuy nhiên sau khi bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng, đến nay tất cả đều trong tình trạng hoang phế, không sử dụng được. Khu chợ có diện tích trên 500m2 bao gồm sân, chợ nhà lồng, nhưng từ ngày xây dựng xong (2009) cho đến nay chưa họp chợ lần nào. Chính vì thế mà tấm biển hướng dẫn vào khu chợ lau sậy đã che khuất, những tấm tôn không còn nằm ngay thẳng trên mái nhà; lô sạp chỉ còn trơ những khối bêtông. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Gần đó là khu Trung tâm thể thao Khánh An được xây dựng khá hoành tráng trong khuôn viên rộng trên 1.000m2 bao gồm nhiều hạng mục.

Theo các “cư dân đô thị” tại đây, từ ngày đi vào hoạt động tới nay chỉ tổ chức được 4 cuộc thi đấu thể thao cấp xã. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi cố gắng cỡ nào cũng không thể vào được bên trong, do hai lớp khoá ngăn cách mà ống khoá đã bị gỉ sét. Khu nhà trung tâm quy mô không kém, nhưng cũng cùng chung số phận với chợ bỏ hoang, trung tâm thể thao chẳng ai vào thể dục. Duy chỉ có trường học là hoạt động, nhưng lại không nhiều học sinh. Thầy Quách Thành Thới - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn - cho biết: “Trường được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc gia, nhưng hiện tại chỉ có hơn 140 học sinh theo học, chủ yếu là con em của các vùng lân cận...”.

Ngoài tái định cư, người dân mất đất còn được nhận đất tái định canh thuộc dự án. Tuy nhiên, gần như toàn bộ diện tích cấp cho dân tái định canh cây lúa nhọc nhằn đơm bông. Ông Lê Văn Bồng - một trong những hộ nhận đất sản xuất - nói: “Đất ở đây phèn nhiều lắm, lau sậy mọc um tùm, cỏ năn cao hơn đầu gối. Năm rồi, tôi làm 20 công, thu hoạch đúng 20 giạ lúa lép xẹp, lỗ vốn”. Theo nhiều người dân, đất ở đây rất khó trồng lúa, đến như cây chuối cũng khó ra buồng, đến mùa mưa nước phèn từ cánh rừng tràm tràn ra làm cá lóc, cá trê nổ mắt chết hàng loạt. Chính vì vậy mà người dân đành ngậm ngùi bỏ đất ra đi bởi càng đầu tư càng lỗ.

Bẻ bông sậy mưu sinh trong khu đô thị mới Khánh An.
Bẻ bông sậy mưu sinh trong khu đô thị mới Khánh An.

Lo cho dân hay lãng phí

Theo ông Nguyễn Việt Lập - Phó ban Quản lý dự án Khu công nghiệp và đô thị Khánh An - đây là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng chế độ tái định cư, tái định canh cho dân, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân được an sinh. Một khu đô thị mới mọc lên giữa rừng U Minh Hạ đã minh chứng điều đó, thật khó có thể “phê bình” chủ đầu tư nếu nhìn vào quy mô khu tái định cư. Nhưng trong thực tế, cuộc sống người dân tái định cư trong 10 năm qua lại chứng minh một điều khác.

Ông Quách Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh - phân trần: “Chúng tôi khổ sở với sự án này. Tiếp xúc cử tri lần nào cũng bị đặt vấn đề. Về phía địa phương chúng tôi thụ hưởng công trình hoành tráng là một niềm vui, nhưng để thuyết phục người dân sinh sống trong khu đô thị mới Khánh An trong điều kiện như hiện nay là chuyện không dễ dàng, bởi vào đây ở mà không nghề nghiệp, không phương kế làm ăn thì rất khó khăn”. Ông Bảy Ân (Trần Văn Ân) -  thương binh đang ở trong dãy nhà tình nghĩa của dự án - ngậm ngùi: “Giá mà tui có phép thuật như Tề Thiên Đại Thánh, tui sẽ hô biến toàn bộ khu đô thị Khánh An này ra ngoài thành phố Cà Mau thì khỏi phải chê. Chớ để khu đô thị giữa rừng như vầy, lãng phí quá chừng”.

Là ông Bảy Ân ức quá nên ước mơ vậy thôi, chứ với khu đô thị mới giữa rừng U Minh Hạ này, dù có phép màu đi nữa cũng khó mà “hô biến” được.  Phải chăng đây là biểu hiện của căn bệnh xây dựng “hoành tráng” rồi bỏ hoang đang nóng rang tại nghị trường Quốc hội?

Theo Lao Động

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm