TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa hứng chịu một trận ngập lịch sử, dù cơn mưa không phải quá lớn. Trước đó, ngập nghiêm trọng cũng đã xảy ra ở nhiều đô thị, vùng trung tâm phát triển của Bình Dương, Cần Thơ, Đà Lạt...
Ngập úng ở các nơi này sẽ còn tiếp tục với mức độ ngày càng nặng, nếu chính quyền các địa phương không nhanh chóng rà soát để có những điều chỉnh kịp thời theo phương pháp khoa học trong việc phát triển đô thị ở địa phương.
Vùng cao cũng ngập tơi tả
Dĩ nhiên nguyên nhân đầu tiên gây ngập là do… mưa lớn, triều dâng. Nhưng cho dù như thế thì nhiều đô thị vẫn chưa chắc ngập nặng như vừa qua nếu trong quá trình phát triển đô thị chúng ta đừng phạm nhiều sai lầm. Phổ biến nhất là hiện tượng bê tông hóa tràn lan làm diện tích mặt đất tự nhiên (để nước thấm) bị thu hẹp. Trên bề mặt bê tông, nước sẽ chảy nhanh hơn và đổ dồn về các khu vực trũng, thấp. Trong khi đó, cống thoát không kịp cải tạo để đáp ứng; kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp khiến nước thoát ra cửa sông chậm… Cứ như vậy, nếu mưa to mà không ngập thì mới được xem là chuyện lạ!
Đơn cử như Đà Lạt, do là vùng đồi núi nên nhiều người cứ nghĩ nó không thể bị ngập. Nhưng thực tế Đà Lạt thời gian qua có nhiều khu vực ngập nặng, nguyên do diện tích bê tông hóa và diện tích nhà kính tăng cao (cho việc trồng rau) tạo tác dụng thoát nước quá nhanh. Hiện rất nhiều địa phương vẫn quy hoạch, phát triển đô thị theo cách sai lầm nói trên, thay vì phải dành nhiều đất cho cây xanh, hồ nước… với tỉ lệ phù hợp.
Mưa lớn làm ngập sâu cả khu vực ấp Miễu, xã Phước Tân, TP Biên Hòa. Ảnh: VŨ HỘI
Thiếu vai trò điều phối quản lý hiệu quả
Khi xây dựng, thực hiện quy hoạch, điều đầu tiên phải tính đến là sự cân bằng của tốc độ thoát nước. Không phải cứ làm cống thì sẽ không bị ngập. Chỗ nào đất có độ dốc, tốc độ thoát nước nhanh thì cống hoặc mương thoát nước phải đủ lớn và kết nối với hồ chứa điều tiết đủ dung lượng ở vùng thấp. Việc này phải có quy hoạch và làm theo quy hoạch, chứ không phải làm theo cảm tính.
Ở các dự án phát triển đô thị không nên tham xây dựng nhiều quá mà phải dành tỉ lệ đất cho công viên, cây xanh phù hợp (ít nhất là 30%-40%) trên tổng diện tích sàn xây dựng, thay vì trên diện tích chiếm đất. Tức là một tổ hợp nhà cao 50 tầng trên diện tích 20 ha, phải đảm bảo dành diện tích xanh gấp 10 lần một tổ hợp nhà cao năm tầng cùng trên diện tích 20 ha đó.
Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh nhưng yếu tố cân đối sinh thái ít được quan tâm. Điều này không quá khó để nhận ra, vì việc đầu tư các khu đô thị, dân cư lâu nay phụ thuộc lớn vào quyết định của các chủ đầu tư (là những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên lợi nhuận phải được đặt lên hàng đầu), trong khi vai trò của chính quyền chưa rõ rệt. Lẽ ra chính quyền phải nắm giữ tốt vai trò điều phối, thể hiện qua việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khi phát triển đô thị có đủ diện tích đất dành cho công cộng, công viên, thoát nước.
Giải quyết ra sao
Việc trước tiên cần làm hiện nay là khoanh vùng các vùng thấp, làm hồ điều tiết có dung lượng phù hợp. Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, chỉ xử lý phần ngọn. Để xử lý tận gốc cần giải quyết từ nguồn nước làm ngập. Các khu không ngập thường ở vùng cao, tỉ lệ bê tông hóa cao làm nước thoát nhanh gây ngập vùng thấp lân cận. Do vậy, biện pháp căn cơ là phải rà soát tất cả khu đô thị ở vùng cao có diện tích bê tông hóa mặt đất cao, từ đó có giải pháp điều tiết phù hợp lượng nước đổ về vùng thấp. Chẳng hạn, làm thêm các mảng xanh, thảm cỏ trên lề đường, vỉa hè…; đào lại các sông, kênh rạch đã bị lấp; tổ chức các khu vực tích nước tạm thời để thoát dần ra sông.
Tại sao ở các khu đô thị mới ở Nam Sài Gòn - nhiều nơi thuộc vùng thấp (nền 1,8-2 m) nhưng không ngập, trong khi các nơi khác nền cao hơn 2 m tại bờ tây sông Sài Gòn vẫn ngập? Đó là do quy hoạch Nam Sài Gòn đã có tính toán hợp lý về mảng xanh, hồ điều tiết, hệ thống cống thoát nước tại chỗ.
Điều quan trọng nhất là khi phát triển đô thị thì không được xem nhẹ hoặc bỏ qua vấn đề sinh thái. Các dự án quy hoạch đô thị phải luôn đảm bảo một tỉ lệ diện tích cây xanh tối thiểu. Nhiều thành phố của các nước trên thế giới đã thực hiện theo cách thức này nên ta thấy có những công viên hàng trăm hecta bao gồm hồ điều tiết ngay cạnh khu trung tâm cao tầng, như Central Park tại New York (341 ha) và Stanley Park tại Trung tâm Vancouver (405 ha)… Ở những nơi này mật độ xây dựng rất cao nhưng vẫn không ngập.
Trả lại đất lấn sông Qua thống kê cho thấy trận mưa gây “ngập kỷ lục” cho Biên Hòa vừa qua chưa phải là trận mưa lớn nhất trong lịch sử TP này. Tuy vậy, Biên Hòa vẫn bị ngập mênh mông là điều đáng báo động. TP Biên Hòa nằm ngay cạnh sông nên đáng ra chuyện thoát nước không khó. Thế nên tình trạng ngập úng này là lời cảnh báo, nếu không trả lại đất lấn sông, trả lại kênh rạch, tăng diện tích xanh và khơi thông các cửa thoát nước thì hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn không chỉ cho Biên Hòa mà còn cho cả các khu đô thị ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Tương tự, ở TP.HCM, việc quy hoạch lại đa số diện tích đất bờ sông (do di dời cảng Ba Son và cảng Sài Gòn) cần ưu tiên cho cây xanh và công viên thay vì tiếp tục bê tông hóa nó. Việc ưu tiên cho cây xanh, công viên sẽ là một giải pháp hiệu quả đảm bảo cho khu cao tầng tại trung tâm hiện hữu bờ tây sông Sài Gòn không bị ngập trong tương lai và TP có thêm một không gian xanh cho cộng đồng. |