Doanh nghiệp du lịch gặp khó khi đón khách có hộ chiếu vaccine

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có hướng dẫn tạm thời cho năm địa phương về việc thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine. Cụ thể, giai đoạn 1 là từ tháng 11 sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói được lựa chọn tại Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Giai đoạn 2 từ tháng 1-2022 và giai đoạn 3 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp (DN) du lịch tại Quảng Ninh, Đà Nẵng… cho biết vẫn đang chờ hướng dẫn từ địa phương để triển khai. Bên cạnh đó, chính sách thị thực không đồng bộ, chính sách phòng chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau khiến các DN gặp trở ngại trong việc thu hút khách đến Việt Nam.

 Liên quan đến chính sách thị thực hiện nay đang gây khó cho các DN du lịch, ngày 9-11, chúng tôi đã liên hệ với Tổng cục Du lịch để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của các DN khi thí điểm đón khách có hộ chiếu vaccine hiện nay, tuy nhiên ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết không trả lời qua điện thoại và yêu cầu PV gửi văn bản đến tổng cục. “Khi có văn bản sẽ có bộ phận chuyên môn trả lời, bộ có quy chế phát ngôn, nội dung nào phải rõ ràng” - ông Siêu nói. 
VIẾT THỊNH

Doanh nghiệp còn chờ hướng dẫn

Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết Chính phủ đồng ý cho Quảng Ninh được thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine và hiện các DN vẫn đang chờ hướng dẫn triển khai của ngành du lịch của Quảng Ninh.

Ông Hồ Thanh Tú, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng cho biết sau khi có hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL, các DN đang tiếp tục chờ hướng dẫn chi tiết của ngành du lịch địa phương. Theo hướng dẫn tạm thời, du khách đến Việt Nam không cần cách ly là một hỗ trợ cho ngành du lịch cũng như du khách. Tuy nhiên, hiện nay mỗi địa phương có chính sách phòng chống dịch khác nhau khiến DN gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL, đối với du khách là F0 sẽ được đưa đến cơ sở chữa bệnh, chi phí điều trị được chi trả bởi bảo hiểm tối thiểu 50.000 USD. Tuy nhiên, trong quá trình đón đoàn du lịch nếu DN phát hiện một du khách là F0 thì tất cả thành viên trong đoàn là F1.

Như vậy, việc cách ly F1, chi phí điều trị là do DN chi trả hay được Nhà nước hỗ trợ thế nào thì hiện DN chưa biết cụ thể. Mặt khác, theo ông Hồ Thanh Tú, quan điểm của du khách nước ngoài là có bệnh COVID-19 hay không chứ không phân biệt là F0, F1 như Việt Nam nên còn nhiều vướng mắc.

Du khách tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam) thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19. Ảnh: K.CHI

Tương tự, theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Nghị quyết 80 của Chính phủ quy định đối với trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Phú Quốc được miễn thị thực nhập cảnh, trong khi du khách đến các địa phương khác xin thị thực và thời hạn không quá 15 ngày tạo nên sự trở ngại trong thu hút khách đến.

Còn một số DN lữ hành tại Nha Trang lại cho biết hiện các DN này đang còn gặp trở ngại là chưa có mẫu giấy xác nhận hộ chiếu vaccine cho khách Nga.

Cần miễn thị thực năm năm cho các thị trường

Trao đổi với PV, TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng việc Chính phủ đồng ý mở lộ trình thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine theo ba giai đoạn rõ ràng ở cấp độ quốc gia là Việt Nam đã “mở cổng”. Tuy nhiên, du khách vào được hay không còn phụ thuộc vào các “cửa nhỏ” đó là các địa phương.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 80 quy định từ 1-7-2020, người nước ngoài đến Phú Quốc được miễn thị thực và có thời hạn tạm trú không quá 30 ngày, trong khi du khách đến các địa phương đang thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu phải xin visa thời hạn tạm trú không quá 15 ngày cũng đang là một hạn chế. Ông Hiệp cho rằng việc thí điểm đón khách quốc tế trong điều kiện đảm bảo an toàn là đương nhiên nhưng đừng để chính sách không đồng bộ, cản trở du khách đến.

“Du lịch muốn liên thông, “mở cổng” thì cần mở cửa, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách gây khó cho du khách. Việc thí điểm đón du khách quốc tế có ý nghĩa mở đường cho lộ trình mở rộng cửa, phục hồi du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi du lịch phục hồi sẽ thúc đẩy hàng loạt chuỗi giá trị ngành hàng khác cùng hồi phục như vận tải, sự kiện, ẩm thực...” - ông Hiệp nói.

Còn theo ông Hồ Thanh Tú, trong bối cảnh Việt Nam đang thí điểm mở cửa đón khách quốc tế, bên cạnh yếu tố an toàn phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu thì điều quan trọng là cần đồng bộ các chính sách thị thực. Đồng thời cần có các thông tư hướng dẫn cho các DN được thông suốt, cũng như tạo hành lang pháp lý dễ dàng hơn hỗ trợ DN. Đặc biệt là các chính sách đồng bộ trong phòng chống dịch giữa các địa phương để tạo thuận lợi cho du khách khi du lịch.

Ông Lê Văn Sơn cũng đề xuất Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho miễn thị thực năm năm cho tất cả thị trường để kích cầu du lịch, bởi trong tình hình hiện tại, quốc gia nào có nhiều ưu đãi sẽ là cơ hội để thu hút khách quốc tế nhiều hơn.

Theo ông Sơn, một số quốc gia đã áp dụng chương trình đón khách quốc tế theo mô hình 7+. Nếu Việt Nam triển khai mô hình 5+ sẽ là một trong các giải pháp cạnh tranh thu hút khách đến so với các nước.

“Chẳng hạn trước khi đến Nha Trang, du khách đã được xét nghiệm có kết quả âm tính được đón về khu nghỉ dưỡng. Sau năm ngày, nếu xét nghiệm tiếp có kết quả âm tính thì du khách được ra cộng đồng, họ muốn đi đâu, tham quan nơi đâu là tùy nhu cầu của du khách. Nếu Việt Nam hay hơn làm 5+ thì đâu cũng là giải pháp để thu hút khách đến so với 7+” - ông Sơn nói.

Nhiều khách sạn còn đang đóng cửa

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các DN du lịch ở các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang vẫn e ngại trong đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine cũng như khách nội địa. Hiện vẫn còn nhiều khách sạn ở Nha Trang đang đóng cửa. Một số công ty du lịch Đà Nẵng cho biết đã có các đoàn khách MICE nhưng địa phương này đang có vài ca nhiễm cộng đồng nên các chương trình đều bị hoãn lại.

Theo các DN du lịch, khả năng từ sau quý I-2022, thị trường du lịch cả quốc tế và nội địa mới có tín hiệu bắt đầu cho sự khôi phục.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm