Sau lễ tiếp nhận từ Bộ GTVT, đúng 7 giờ 45 phút, chính quyền Hà Nội phát lệnh đưa đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông vào vận hành khai thác thương mại.
Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được vận hành sau hơn một thập niên xây dựng.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ về chặng đường gian khó của việc triển khai dự án thí điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Với sự hỗ trợ Chính phủ, UBND TP Hà Nội, người dân… đến nay tuyến đường sắt đã đủ điều kiện bàn giao đưa vào khai thác.
Để dự án vận hành an toàn, ông Đông yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tiếp tục phối hợp với TP Hà Nội trong quá trình khai thác, cũng như công tác bảo trì, bảo dưỡng dự án theo hợp đồng đã ký kết.
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông.
Về phía chính quyền thủ đô, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND khẳng định đây là thời khắc lịch sử khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động.
Cùng với chín tuyến đường sắt đô thị đang xây dựng, dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ giúp thủ đô tăng tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc cho TP .
Trong 15 ngày đầu, hành khách được miễn phí vé và được phát sổ tay hướng dẫn đi tàu. Trong sáng ngày khai trương, bên ngoài các nhà ga rất náo nhiệt khi nhiều người dân trông chờ được trải nghiệm đi tàu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ở phường Cống Vị (Ba Đình), cho biết ông có mặt tại ga Cát Linh từ sáng sớm và không quên thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Người dân trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông.
“Tôi đi tàu hỏa nhiều rồi nhưng chưa bao giờ được đi tàu điện, nên rất háo hức muốn trải nghiệm một lần xem sao… Nếu thuận tiện và an toàn tôi sẽ khuyên những người thân trong gia đình đi tàu điện thay vì đi xe cá nhân” - ông Hùng cho hay.
Được nhân viên hướng dẫn lên chuyến tàu thương mại đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thu Hương ngụ ở Hà Đông không dấu được niềm vui: “Dự án có nhiều thông tin trái chiều nhưng trải nghiệm thực tế thì tôi thấy rất tuyệt, tàu chạy êm và cho tôi cảm giác an toàn, nhân viên ở đây cũng hướng dẫn rất nhiệt tình…”
Những hành khách đầu tiên đi tàu Cát Linh - Hà Đông.
Theo chị Hương, từ khi dự án khởi công đến nay, ngày nào chị cũng mong dự án sớm hoàn thành do lộ trình đi làm của chị rất thích hợp để đi tàu.
“Theo tôi biết tàu chạy từ điểm đầu đến điểm cuối chỉ mất 24 phút, nếu đi xe máy vào giờ cao điểm sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Tới đây chắc chắn tôi sẽ lựa chọn tuyến đường sắt này để đi làm thay vì đi xe cá nhân” - Chị Hương nói.
Theo chính quyền TP Hà Nội, tuần đầu tàu điện hoạt động từ 5 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày, tần suất 15 phút mỗi chuyến. Tuần tiếp theo sẽ vận hành 10 phút mỗi chuyến. Sau 6 tháng, thời gian vận hành kéo dài đến 22 giờ 30, tần suất giờ cao điểm 6 phút mỗi chuyến.
Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), thành phố sẽ miễn phí 15 ngày đầu chạy tàu cho tất cả hành khách, trước khi khai thác thương mại. Giá vé được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến, thấp nhất 8.000 đồng nếu di chuyển quãng ngắn nhất. Vé ngày có mức giá là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động mua vé tháng theo hình thức tập thể (doanh nghiệp, công sở…), được áp dụng mức 140.000 đồng/người. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí vé đi tàu. |