TP.HCM: Tặng thùng rác để phân loại rác tại hộ gia đình

TP.HCM đã quyết định sửa đổi cách phân loại rác (PLR) thành hai nhóm gồm nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, các chủ nguồn thải).

Sau khi có quyết định của TP, các địa phương đã có nhiều biện pháp để người dân thực hiện PLR đúng quy định.

TP.HCM nỗ lực thực hiện chuyển đổi các phương tiện thu gom rác đạt chuẩn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hướng dẫn cách phân loại rác tại hộ gia đình

Để thực hiện tốt công rác PLR tại nguồn, các địa phương trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện PLR đúng cách.

Theo UBND quận Tân Phú, quận đã triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch về thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận quận Tân Phú giai đoạn 2020-2025. Chỉ tiêu thực hiện của năm 2021 là phấn đấu đạt tỉ lệ phân loại tối thiểu 50% đối tượng hộ dân và ngoài hộ dân (các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại) thực hiện PLR đúng.

“Quận Tân Phú đã phát tờ rơi hướng dẫn cách PLR tại nguồn, tặng thùng rác hai ngăn để người dân PLR tại gia đình. Đồng thời tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc PLR tại nguồn, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân về thực hiện PLR tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân, chủ nguồn thải” - đại diện UBND quận Tân Phú cho biết.

Bà Đoàn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 3, chia sẻ hội đã phát động nhiều nơi tham gia thực hiện PLR tại nguồn, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể sử dụng, tái chế. Hội đã tặng 41 kg túi rác tự hủy sinh học cho các đơn vị.

“Chúng tôi phấn đấu năm 2021 100% cơ quan quận 3 tập trung thực hiện tốt PLR tại nguồn, chống rác thải nhựa, 80% gia đình cán bộ hội viên phụ nữ PLR tại nguồn” - bà Tú nói.

Người dân dần thay đổi ý thức

Theo ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, phường đã thực hiện tuyên truyền đến người dân về PLR tại nguồn. Sắp tới, phường sẽ tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người dân thực hiện PLR tại nguồn đúng quy định.

“Nhiều hộ dân trong khu dân cư nay đã thực hiện phân loại rất tốt. Tuy nhiên, các hộ dân sống trong khu nhà trọ còn nhiều hạn chế. Sắp tới, phường sẽ làm việc với các chủ nhà trọ, đề nghị bố trí hai thùng rác để phân loại. Ngoài ra, phường đang phấn đấu thực hiện chuyển đổi 100% các phương tiện thu gom rác đạt chuẩn để tránh ô nhiễm môi trường và thuận tiện cho việc phân loại” - ông Tân thông tin.

Theo UBND quận Tân Phú, việc PLR tại nguồn đã từng bước đi vào cuộc sống, người dân đã nhận thức được giảm thiểu rác thải nhựa, PLR tại nguồn là việc phải làm, phù hợp với xu thế phát triển và quy định của pháp luật.

Sắp tới, quận sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện mô hình PLR và đổi rác thải có khả năng tái chế lấy quà tặng hoặc vật phẩm có giá trị tương đương (đường, dầu ăn, bột ngọt, xà bông…) tại hộ dân.

Quận chỉ đạo UBND 11 phường và các cơ quan, đơn vị thuộc quận không ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2022 với lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sau khi phân loại) không đúng quy định, chưa chuyển đổi mô hình hoạt động và phương tiện thu gom rác đạt chuẩn theo quy định của TP.•

 

Đặt mục tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập được chuyển đổi

TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu liên quan đến lĩnh vực môi trường trong năm 2021. Trong đó có 100% lực lượng thu gom rác dân lập được chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; 100% hộ dân đăng ký thu gom rác thải tại khu vực có tuyến thu gom. Riêng các địa bàn chưa có tuyến thu gom thì 100% hộ dân thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh tại hộ gia đình.

100% hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt tiền đường giữ gìn vệ sinh môi trường, tự trang bị thiết bị lưu chứa rác thải. Trên 75% khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch. 20% phường, xã, thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu.

100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy. Tiểu thương tại chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nylon khó phân hủy trong công việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm