Doanh nghiệp địa ốc chuẩn bị rổ hàng cuối năm

(PLO)- Khó khăn lớn nhất với ngành bất động sản vẫn là vấn đề thanh khoản kém.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang xúc tiến chuẩn bị cho các dự án mở bán mới vào những tháng cuối năm, sau thời gian dài thị trường trầm lắng.

Kỳ vọng đợt cao điểm cuối năm

Chỉ còn chưa đến ba tháng là kết thúc năm 2023, với kỳ vọng thị trường sẽ ấm lên, hàng loạt ông lớn địa ốc đang chuẩn bị cho rổ hàng mùa cuối năm.

Mới đây, một tập đoàn BĐS đã mở bán dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc với giá sản phẩm khá hấp dẫn cho nhà đầu tư kèm nhiều chính sách thanh toán linh hoạt, hỗ trợ lãi suất. Để chuẩn bị cho kế hoạch bán hàng hiệu quả, chủ đầu tư đã ký kết với hơn 80 sàn phân phối.

p10-bai-bdscuoinam.jpg
Một dự án đất nền tại Long An đang được mở bán. Ảnh: Q.HUY

Đầu tháng 10, Tập đoàn Nam Long cũng mở bán dự án phân khúc nhu cầu ở thực tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Mức giá bán được nhân viên môi giới tiết lộ từ 3 tỉ đồng cho căn hộ hai phòng ngủ và tiến độ thanh toán nhẹ nhàng, trả trước 30% chia nhỏ thành nhiều đợt; khách hàng được hưởng lãi suất cố định 5% trong 24 tháng. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng lên kế hoạch mở bán các sản phẩm nhà ở xã hội tại tỉnh Long An, TP Cần Thơ…

Thị trường có thể khó khăn kéo dài đến quý II, III-2024. Để phục hồi BĐS, Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt cũng đã làm việc đến từng doanh nghiệp, xem xét từng dự án… Đây là nỗ lực chưa từng có, dù kết quả chưa cao như mong muốn.

TS LÊ XUÂN NGHĨA, chuyên gia kinh tế

Tương tự, Công ty Khang Điền cũng vừa triển khai hoạt động bán hàng hai dự án nhà thấp tầng tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Ở khu vực hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, đầu tháng 10 có hai công ty giới thiệu ra thị trường hàng ngàn căn hộ với mức giá vừa túi tiền.

Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), thanh khoản trên thị trường trong quý III-2023 đã được cải thiện so với giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và những tháng đầu năm. Thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều điểm sáng, nhất là tại các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP.HCM… nơi được thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu.

Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - BĐS Dat Xanh Services, cũng đưa ra nhận định thị trường đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, đã chạm đáy trong quý III-2023.

Theo ông Khôi, chu kỳ tăng trưởng mới của BĐS sẽ không đi theo biểu đồ hình chữ V mà là phục hồi và tăng trưởng theo biểu đồ hình chữ U. Đây sẽ là sự phục hồi theo hướng ổn định, chậm và chắc.

“Dự báo quý IV, thị trường chưa có tăng trưởng đột biến nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với quý III và cùng kỳ năm 2022. Đây là quý hoạt động tích cực nhất trong năm” - ông Khôi lạc quan.

Vẫn khó đến tận… quý III-2024

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia BĐS, cho rằng thị trường đang rất khó khăn và khó có thể khởi sắc trong quý IV năm nay. Chỉ còn hai tháng để bán hàng trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai dự án vì vướng pháp lý, thủ tục.

Bằng chứng là từ đầu năm, dù Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng trong năm vẫn gần như không có nguồn cung dự án mới. Một khó khăn nữa là áp lực trái phiếu, nguồn vốn gần như chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Thách thức của nền kinh tế đang gặp phải cũng đè nặng lên khả năng phục hồi của BĐS Việt Nam. Theo TS Nhân, xung đột chính trị thế giới kéo dài, thậm chí nảy sinh những xung đột mới, xuất nhập khẩu khó khăn. Vấn đề lớn nhất là thanh khoản kém dù lãi suất có hạ. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư dùng các đòn bẩy tài chính khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ, đồng thời gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

“Do đó, thị trường quý IV vẫn sẽ khó khăn, chỉ có giao dịch ở những phân khúc có nhu cầu ở thực nhưng khá ít. Trong quý I, II-2024 vẫn chưa có khởi sắc nhiều, phải đợi đến quý III-2024 thì thị trường BĐS mới có thể dần phục hồi” - TS Nhân dự báo.

Vì thế, để BĐS sớm phục hồi cần trông chờ vào sự khởi sắc của nền kinh tế khi giải ngân dự án đầu tư công được đẩy nhanh, các gói tín dụng triển khai doanh nghiệp tiếp cận được.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định Chính phủ đang quyết liệt làm việc cùng với Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho BĐS. Giải pháp trước mắt là hoàn thiện những luật liên quan, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án. Thứ hai, thị trường cần đẩy mạnh vào phân khúc nhà ở giá rẻ thì mới giải quyết được vấn đề hiện nay.

Nguồn cung hơn 30.000 sản phẩm ra thị trường

Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đưa ra dự báo nguồn cung BĐS sẽ đạt trên 30.000 sản phẩm trong quý IV-2023. Về lực cầu, thị trường nhà ở dần ổn định trong những tháng cuối năm.

Cùng với đó, niềm tin của khách hàng được củng cố và nguồn cung được cải thiện sẽ góp phần làm tăng lực cầu cho phân khúc nhà ở.

Về giá bán, VARs cho rằng giá sơ cấp lẫn thứ cấp ở phân khúc bình dân, trung cấp ở đô thị lớn vẫn trên đà tăng nhẹ.

Giá bán đất nền và biệt thự/nhà liền kề/shophouse đi ngang, dần ổn định, thậm chí tăng nhẹ ở một số địa phương có nhiều lợi thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm