Thị trường khó, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn có lãi

(PLO)- Dù thị trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số công ty bất động sản vẫn báo lãi ồ ạt.

Điểm sáng của thị trường bất động sản (BĐS) lúc này là cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản từ chính sách cho đến lãi suất. Thêm vào đó là các hoạt động xây dựng hạ tầng từ đầu tư công đang đem lại kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trong giai đoạn tới. Trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn có báo cáo tài chính sáng sủa với số lãi từ thấp đến cao.

Từ khoản lãi ít ỏi

Nhiều cổ đông bất ngờ với việc lợi nhuận sau thuế của Công ty BĐS Phát Đạt tăng mạnh lên đến gần 276 tỉ đồng trong quý II-2023. Lý do là hai quý liền kề trước đó thể hiện lợi nhuận khá èo uột. Cụ thể quý IV-2022, doanh nghiệp này lỗ đến 266 tỉ đồng và bước sang quý I-2023 chỉ báo lãi 24 tỉ đồng.

Trong báo cáo giải trình về việc lợi nhuận giảm trong nửa đầu năm 2023 gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Phát Đạt, nhận định do tình hình khó khăn chung của thị trường, đặc biệt là ngành BĐS nên việc đầu tư kinh doanh không thuận lợi.

Thực tế, doanh thu quý II-2023 của Phát Đạt chỉ là 5,1 tỉ đồng trong khi giá vốn hàng bán chiếm đến 3,4 tỉ đồng, như vậy lợi nhuận gộp của công ty chỉ có 1,7 tỉ đồng. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh khá èo uột, cộng các chi phí quản lý hàng chục tỉ đồng có thể khiến Phát Đạt phải báo lỗ.

Bất ngờ, công ty báo doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 532 tỉ đồng, nhờ đó có khoản lãi ròng lên đến hàng trăm tỉ đồng. Theo giới phân tích, Phát Đạt có lãi nhờ chuyển nhượng cổ phần công ty con cho một công ty BĐS khác trong ngành.

Thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm được đánh giá là có nhiều triển vọng phục hồi. Ảnh minh họa: Q.HUY
Thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm được đánh giá là có nhiều triển vọng phục hồi. Ảnh minh họa: Q.HUY

Tương tự, Hoàng Quân cũng có khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần đã đóng góp vào khoản lãi cho doanh nghiệp trong quý II-2023. Tuy nhiên, mức lãi của Hoàng Quân chỉ vỏn vẹn là 1,2 tỉ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ. Hoàng Quân cũng cho biết tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay khiến công ty gặp không ít khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh, dẫn đến doanh thu bán hàng không đạt kỳ vọng.

Một thống kê của Vietstock cho thấy trong quý II-2023, rất nhiều công ty vẫn đang nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận nhưng với mức suy giảm mạnh, thậm chí nhiều công ty báo lãi dưới mức 1 tỉ đồng.

Chẳng hạn, Công ty Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) báo lãi chỉ là 435 triệu đồng, mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Hay HU1 là 60 triệu đồng, DTA chỉ có lãi 1 tỉ đồng…

Đến nguồn lợi nhuận khổng lồ

Bên cạnh đó, thị trường vẫn có nhiều doanh nghiệp cho biết đã thu lãi lớn, tạo nên tín hiệu tốt cho thị trường.

Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lãi gần 600 tỉ đồng sau hai quý trước đó hiệu quả lợi nhuận suy giảm. Lợi nhuận có được một phần nhờ thanh lý tài sản cố định, một phần đến từ tái cấu trúc công ty, tối ưu chiến lược đấu thầu, mở rộng mảng công nghiệp, phát triển thị trường nước ngoài cho đến tập trung vào nhà ở xã hội, dự án hạ tầng, đầu tư công.

Sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất và kéo toàn ngành thoát khỏi sự lao dốc chính là ông lớn trong ngành BĐS Vinhome. Công ty này báo lãi hơn 20.000 tỉ đồng trong năm tháng đầu năm 2023. Điều này nhờ vào mở bán thành công hàng loạt dự án mới, thu hút lượng người mua rất lớn.

Ngoài ra, những doanh nghiệp BĐS hoạt động trong lĩnh vực đầu tư BĐS công nghiệp gần như không chịu biến động nhiều bởi tình trạng khó khăn hiện nay. Cụ thể, KBC hay SNZ luôn báo lãi đều đặn hàng trăm tỉ đồng kể từ đầu năm đến nay.

KBC vốn hoạt động rất mạnh ở khu vực phía Bắc trong khi các tập đoàn đa quốc gia đều chọn khu vực này đầu tư và mở rộng nhà máy sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết thị trường BĐS công nghiệp tiếp tục sáng cửa bất chấp khó khăn chung của thị trường và sự suy giảm thương mại toàn cầu.

Nguyên nhân là nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Loạt “đại bàng” đến từ Mỹ và Hàn Quốc với dòng vốn FDI quy mô lớn tìm cơ hội phát triển tại Việt Nam.

Nhiều cửa sáng từ nay đến cuối năm

TS Cấn Văn Lực cho biết với hàng loạt cơ chế, chính sách đưa ra một cách kịp thời, Chính phủ đang rất nỗ lực giải quyết các vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS.

Đơn cử như Nghị định 08/2023, phát triển sàn giao dịch trái phiếu đang đem lại tín hiệu tốt cho thị trường. Nghị quyết 33/2023 giải quyết phần lớn vấn đề phát sinh hiện nay trên thị trường bao gồm pháp lý, vốn với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã giúp thị trường có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Nghị định 10/2023 tháo gỡ căn cơ cho condotel, officetel hay gọi chung là BĐS nghỉ dưỡng được cho phép cấp sổ hồng. Ngân hàng Nhà nước cũng nỗ lực chỉ đạo điều hành các ngân hàng tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất cho vay các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BĐS.

Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, triển vọng dài hạn cho thị trường BĐS vẫn vững mạnh. Tăng trưởng kinh tế cao đang thúc đẩy nhu cầu nhà ở mới của nhóm người tiêu dùng trung lưu mới nổi ngày càng đông đảo trong khi số lượng nhà ở mới phù hợp với nhóm khách tiềm năng này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm