Theo VARS, có tới 43% doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung BĐS. Có 57% DN đánh giá các cơ chế, chính sách này mới chỉ ghi nhận tác động ở mức độ bình thường.
Xét trên tổng thể trong suốt gần 8 tháng qua, tình hình nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân chưa thực sự được giải quyết một cách triệt để.
“Tuy nhiên, thị trường có ghi nhận tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét theo thời gian. Cụ thể vào những tháng cuối quý II và đầu quý III đã xuất hiện thông tin các dự án mở bán tại một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng…”- báo cáo nêu.
Ảnh minh họa: Q.HUY |
Dữ liệu về tâm lý nhà đầu tư của VARS cho thấy chỉ có 21% DN được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Các DN còn lại cho rằng khách hàng/nhà đầu tư sau khi ổn định tâm lý, vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng “thận trọng” trước các quyết định của mình.
Cùng với các vấn đề về pháp lý thì nguồn vốn là khó khăn dai dẳng. Có tới hơn 70% DN cho rằng các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy được tác động.
Khoảng 30% còn lại ghi nhận tác động tích cực của những chính sách này thuộc nhóm có nhu cầu, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.
Sau khi nghị định số 08/2023/NĐ-CP và một số động thái từ phía Ngân hàng nhà nước, huy động vốn từ trái phiếu DN đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Nhóm ngành BĐS xếp vị trí thứ 2 trong tổng giá trị phát hành trái phiếu DN được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2023 với 26.055 tỉ đồng (chiếm 33%). Nhiều DN đã đàm phán thành công với các chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp DN có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ DN để phục hồi.