‘Doanh nghiệp gặp khó, TP.HCM không thể đứng ngoài cuộc’

Sáng 10-6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cùng nhiều lãnh đạo TP.HCM đã có buổi gặp gỡ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TTBC

Phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trong năm tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt, TP đã ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế.

Cụ thể như tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm tháng đầu năm ước đạt khoảng hơn 456.000 tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%); thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%).

Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 174.000 tỉ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ ngày 27-5 với 461 ca bệnh COVID-19. Trong đó nghiêm trọng nhất là chùm ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục hưng với 404 trường hợp dương tính liên quan đến ổ dịch này.

“Dù không mong muốn nhưng TP.HCM đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng trên toàn TP và theo Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) từ 0 giờ ngày 31-5” – ông Phong nói.

Theo ông, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, TP.HCM cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ tư. “Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP.HCM nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề” – ông Phong khẳng định.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các lãnh đạo TP.HCM tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TTBC

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch COVID-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc, 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân.

Có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và có 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ).

“Sự phát triển, phồn vinh của TP.HCM không thể tách rời với sự phát triển của doanh nghiệp. Và khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau nên khi doanh nghiệp gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn TP.HCM không bao giờ đứng ngoài cuộc” – ông Phong nói.

Chính vì vậy, TP.HCM mong muốn lắng nghe những đề xuất, hiến kế của các doanh nghiệp nhằm giúp TP có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để góp sức cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.

Ông đề nghị lãnh đạo các sở ban ngành, TP Thủ Đức và các quận huyện quan tâm, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và các đại biểu để có đề xuất, tham mưu cho UBND TP những chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả, kịp thời. Từ đó, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 

Không thể chấp nhận kiểu “ngăn sông cấm chợ”

Chia sẻ với các doanh nghiệp về quyết định cách ly 21 ngày người về từ TP.HCM của tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai là quá đột ngột, tạo ra sự lúng túng và thiếu sự chuẩn bị của các doanh nghiệp và làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất.

“Quyết định theo kiểu ngăn sông cấm chợ như thế thì không thể chấp nhận được”– ông Phong nói và cho biết sau quyết định này của tỉnh Đồng Nai thì UBND TP.HCM đã có phản ứng nhanh.

Phản ứng nhanh mà ông Nguyễn Thành Phong nhắc đến là ngay sau khi tỉnh Đồng Nai có quyết định (trưa 4-6), ông đã đề nghị với Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức là phải có văn bản phản hồi, trao đổi lại với UBND tỉnh Đồng Nai, đồng thời báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Chính vì thế, ngay sau đó (trưa 5-6), UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành công văn điều chỉnh việc di chuyển cho công nhân và nguyên liệu sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm