Trong phiên chất vấn chiều 7-6, đại biểu (ĐB) Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng về việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT.
Vị ĐB cho rằng hiện một số doanh nghiệp (DN) không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh là phá vỡ phương án tài chính của dự án.
ĐB dẫn chứng nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư mở rộng đường Hồ Chí Minh quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT. Sau khi đưa vào sử dụng chưa được một năm, Bộ GTVT đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ đi sau trạm thu phí của dự án này gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN, khiến DN đang đứng bên bờ phá sản.
Đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn ĐBQH Gia Lai. Ảnh: Quốc hội |
“Trách nhiệm của Bộ trưởng, phương án giải quyết vấn đề trên? Với dự án cụ thể nêu trên, khi nào nhà nước áp dụng mua lại dự án như với dự án BOT hầm Đèo Cả để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư?” - ĐB đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận trong quá trình phát triển của đất nước, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông, đôi khi “chúng ta cũng không tính toán hết được”.
Ông cho hay cách đây 10-15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn. Nguồn lực thì có hạn nên phải tạo mọi điều kiện để mời gọi các nhà đầu tư. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển thì việc đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông kết nối càng trở nên cần thiết.
“Vì vậy, rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng. Sắp tới, khi chúng ta hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì rất nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng” - ông Thắng cho hay.
Ông lấy ví dụ, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi đưa vào hoạt động đã khiến tuyến quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận. Nguyên nhân do tuyến đường mới đi “vừa nhanh, vừa vắng, lại không mất tiền”.
“Ngay trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), chúng ta cũng đã thiết kế rồi. Khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Đổi lại, nếu doanh thu thấp dưới 75% theo dự kiến thì nhà nước phải chia sẻ” - ông Thắng nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội |
Ông Thắng cho hay trước đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến giao cho Bộ GTVT nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại dự án của nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi có tuyến tránh do nhà nước đầu tư.
“Tới đây, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, trong đó có cơ chế xử lý với các tuyến, dự án BOT bị ảnh hưởng do nhà nước làm tuyến song hành” - ông Thắng nói.
Giơ biển tranh luận, ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cám ơn Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề ĐB nêu. Tuy nhiên theo ông, vấn đề này Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo sớm giải quyết, kết luận từ tháng 4-2022, đến nay đã hơn một năm vẫn chưa có phương án giải quyết.
“Tôi cũng xem lại các trả lời của Bộ với một số vấn đề cử tri Gia Lai phản ánh, bức xúc, Bộ cũng đều trả lời là sẽ quyết liệt, sẽ hoàn thành và sớm hoàn thành nhưng cũng không có câu trả lời sớm là thời điểm nào” - ĐB nói và mong Bộ trưởng có câu trả lời rõ "sớm là đến bao giờ".