Ngày 8-8, sau phần thủ tục, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hoãn phiên xử vụ lừa đảo và vi phạm cho vay liên quan đến Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) và Công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long.
Trong phần thủ tục xuất hiện tình huống tố tụng mới một luật gia có vai trò vừa bào chữa cho bị cáo lại vừa được tòa triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trước tình huống mới, VKS đề nghị tòa hội ý cho hoãn phiên xử. Sau khi hội ý, HĐXX đồng tình với VKS cho rằng luật gia này chỉ có thể tham gia tố tụng với một tư cách nên quyết định hoãn xử. Bởi HĐXX xem xét vụ án trên tất cả các phương diện và vụ án này các bị cáo có kháng cáo kêu oan.
Các bị cáo trong vụ án gồm năm bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long bị cáo buộc lừa đảo và ba bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh đều kêu oan.
Các bị cáo tại toà sáng nay
Đây cũng là vụ án kéo dài nhiều năm, ở cấp sơ thẩm, TAND tỉnh Trà Vinh từng ba lần tạm hoãn xét xử vụ án, năm lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác định tội danh của các bị cáo. Và tại phiên sơ thẩm kéo dài nhiều ngày vào đầu năm 2018, tòa đã tuyên nhóm năm bị cáo thuộc nhóm công ty Aquafeed Cửu Long: Nguyễn Hữu Lộc (nguyên Chủ tịch HĐQT) 14 năm tù; Đỗ Thái Hòa (nguyên phó tổng giám đốc) 12 năm tù; Nguyễn Hồng Nam 10 năm tù; Bùi Tuyết Mai (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp thủy sản) 10 năm tù; Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long) bảy năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ba bị cáo Nguyễn Văn Trực (nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh); Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên trưởng Phòng Tín dụng) và Cao Văn Phong (nguyên phó Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh) bị tuyên cùng mức án năm năm tù cùng về tội vi phạm các quy định về cho vay.
Theo hồ sơ tố tụng, ông Lộc là chủ tịch HĐQT Aquafeed Cửu Long. Biết công ty kinh doanh không hiệu quả nên ông Lộc đã bàn bạc với cấp dưới lập các báo cáo tài chính khống để ngân hàng cho vay tiền. Từ tháng 6-2010 đến tháng 12-2011, Lộc đã cùng các đồng phạm đã sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để Agribank Trà Vinh giải ngân, chuyển 100 tỉ đồng vào tài khoản công ty.
Từ đây Aquafeed Cửu Long chuyển cho các công ty khác 52 tỉ đồng bằng 42 ủy nhiệm chi để Lộc và Dũng - ủy viên HĐQT Aquafeed Cửa Long chiếm đoạt.
Ông Lộc kêu oan cho là thực tế số tiền vay từ ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là nhà máy của công ty, cùng số dư nợ trong dân là 100 tỉ đồng. Đồng thời công ty đã sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh nên bị cáo không phạm tội lừa đảo. Theo ông, vụ án có dấu hiệu bị "hình sự hóa" bởi năm năm qua, cơ quan điều tra không chứng minh được ông và các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của công ty. Hơn nữa thời điểm khởi tố vụ án, tài sản thế chấp của công ty Aquafeed Cửu Long gồm máy móc, nhà xưởng, nợ trong dân cần thu hồi, hàng hóa tồn kho... khoảng hơn 170 tỉ, hoàn toàn đảm bảo cho khoản nợ 100 tỉ đồng tại Agribank Trà Vinh. Công ty có khả năng trả nợ ngân hàng.
Còn cán bộ ngân hàng thì cho rằng các hợp vay vốn của Công ty Aquafeed Cửu Long tại Agribank Trà Vinh đều có tài sản đảm bảo cho vốn vay. Hồ sơ thẩm định đều đúng quy trình, đã trình lên Hội sở Agribank để thẩm định lại, có sự chấp thuận của hội sở nên họ không vi phạm các quy định về cho vay như cáo trạng cáo buộc.
VKS Tối cao có phúc đáp kết quả điều tra vụ án đã xác định các bị can có hành vi gian dối trong việc vay tiền của Agribank Trà Vinh, tuy nhiên cơ quan tố tụng chưa chứng minh được ý thức chiếm đoạt tài sản và số tiền các bị can đã chiếm đoạt. Đối với bị can Lộc, chứng cứ buộc tội yếu. Không có chứng cứ chứng minh ông Lộc đã chỉ đạo, điều hành các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi ông Lộc thôi giữ chức chủ tịch HĐQT tại Aquafeed Cửu Long được trên năm tháng thì công ty mới vay tiền của ngân hàng. Vì vậy chưa rõ căn cứ để truy tố trách nhiệm hình sự ông Lộc...