Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 _ 13-10-2022)

Doanh nhân Việt sáng tạo, vươn xa

(PLO)-  Một số thương hiệu đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường khu vực cũng như thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trải qua một năm mở cửa trở lại, vượt qua những khó khăn bởi dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nhân Việt Nam (VN) vẫn chứng minh được sự năng động, vươn lên trong khó khăn và góp phần đưa kinh tế VN đột phá và tăng tốc phát triển.

Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển kinh tế và phát triển đột phá trong giai đoạn tới, VN cần xây dựng môi trường kinh doanh năng động, có các cơ chế, chính sách thông thoáng và kịp thời để doanh nghiệp (DN) bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Phục hồi mạnh mẽ

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhớ lại chỉ một năm trước, cộng đồng DN phải gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19 nhưng nay đang phục hồi mạnh mẽ. Số DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động trong chín tháng đầu năm nay đạt trên 163.000 DN, tăng tới 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng top 10 Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng top 10 Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022.
Ảnh: TTXVN

Như vậy đến nay, tổng số DN đang hoạt động đã đạt trên 900.000, cùng với đó có khoảng 15.000 hợp tác xã phi nông nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực DN đóng góp khoảng 70% nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 15 triệu người lao động.

Đáng chú ý, nhiều doanh nhân VN đã mạnh dạn vươn xa ra thị trường quốc tế. Một số thương hiệu đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu VN trên thị trường khu vực và thế giới. VN cũng đã có sáu doanh nhân lọt vào tốp tỉ phú USD toàn cầu.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QUANG HUY

Các doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QUANG HUY

Thủ tướng: Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ đội ngũ doanh nhân vươn xa hơn

Ngày 12-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân VN và tôn vinh Doanh nhân VN tiêu biểu 2022.

Sau khi lược qua những kết quả tích cực từ đầu năm 2022 đến nay, Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thành tích chung đó, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng”.

Nhắc tới việc cộng đồng doanh nhân - DN thể hiện trách nhiệm xã hội qua đại dịch COVID-19, Thủ tướng “thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, vất vả, nhọc nhằn và gửi lời cám ơn, trân trọng biểu dương những nỗ lực, những đóng góp lớn lao của cộng đồng DN, doanh nhân VN”.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: “Để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Và tôi tin với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, những kinh nghiệm đã tích lũy được, cùng sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người VN, chúng ta sẽ làm được, sẽ chiến thắng”.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.

Nhấn mạnh tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân”, Thủ tướng đề cập đến 12 việc mà Chính phủ sẽ thực hiện.

Trong đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; phát triển, lành mạnh hóa, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản; khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của DN tư nhân trong nước...

Thủ tướng cũng khẳng định: “Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng đến niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín của nhà đầu tư, DN, doanh nhân chân chính”.

Đội ngũ doanh nhân giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Chúng ta đã có những ngành hàng, những sản phẩm chiếm lĩnh thị phần cao trên thị trường toàn cầu.

“Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế VN đứng trong top 40 thế giới về GDP, top 20 về quy mô thương mại quốc tế. Doanh nhân VN tự tin và có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước VN ngày càng hùng cường, thịnh vượng” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, nhìn nhận những nỗ lực của chính quyền trong việc phục hồi phát triển kinh tế đã tạo bàn đạp phát triển mạnh cho các DN. Bên cạnh đó, nhờ thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ đã tạo ra những lực đẩy đầy hứng khởi cho mọi lĩnh vực kinh doanh.

60 doanh nhân xuất sắc nhất

Sáng 12-10, VCCI tổ chức lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân VN (13-10) và tôn vinh Doanh nhân VN tiêu biểu 2022. Theo đó, danh hiệu Doanh nhân VN tiêu biểu năm nay được quyết định trao tặng cho 60 doanh nhân xuất sắc nhất trong số 211 đề cử, trong đó có 10 người được vinh danh top 10 Doanh nhân VN tiêu biểu.

Đây là các doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các DN thuộc đủ các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến DN vừa và nhỏ. Người lớn tuổi nhất đã 82 tuổi và người trẻ nhất 34 tuổi. Mỗi doanh nhân đều là một tấm gương, một câu chuyện hay về tinh thần lập nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ và cả trách nhiệm xã hội.

Tổng hợp DN của 60 doanh nhân này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70.000 tỉ đồng và số lao động trên 251.000 người. Đây thực sự là kết quả ấn tượng.

“VN đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” - ông Nguyên nhìn nhận.

Giữ vững vị thế phát triển

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho biết VN đang có một lực lượng doanh nhân đông đảo đã phát huy được sức mạnh, với khả năng đổi mới sáng tạo, tạo sức lan tỏa cho sự phát triển của đất nước.

Thế giới ngày nay đang chuyển mình sang thời đại công nghệ số, sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt chưa từng thấy và cả những rủi ro bất định. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nhân tài năng dám dấn thân, vươn mình.

“Đặc biệt, đội ngũ doanh nhân cũng rất cần có chính quyền kề vai sát cánh, hỗ trợ về chính sách, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và không để tình trạng phân biệt đối xử” - TS Trần Đình Thiên nói.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trường ĐH RMIT VN, nhấn mạnh rằng để VN tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế tốt trong thời gian tới thì cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính cho người dân và DN địa phương đang gặp phải.

Ngoài ra, VN phải tăng cường phát triển năng lực, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý rủi ro giữa các cơ quan để đối phó trước tình hình kinh tế toàn cầu nhiều biến động như hiện nay. Từ đó nhằm hỗ trợ DN, doanh nhân một cách nhanh chóng và kịp thời vượt qua khó khăn.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, doanh nhân không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, năng lực cạnh tranh theo cách hiểu truyền thống, mà còn hướng đến các giá trị mới lớn hơn. Đó là trách nhiệm môi trường, liêm chính, kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp số 4.0 còn yêu cầu doanh nhân phải học hỏi về công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm duy trì năng lực cạnh tranh. Đồng thời để VN tiếp tục phát triển một cách năng động trong thế giới nhiều biến động, đòi hỏi chính quyền phải thực sự là bạn của DN và phải lắng nghe, đồng hành cùng doanh nhân. Hai bên cần thường xuyên có sự trao đổi cởi mở thẳng thắn, đóng góp cho nhau cùng tiến bộ.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng bức tranh DN không chỉ toàn màu hồng nên chúng ta không được chủ quan. Để vượt qua các thách thức, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nhân, Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN phát triển, trong đó cần đảm bảo về vốn kinh doanh. Đặc biệt cơ quan quản lý phải thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, với những đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế đầu tư thông thoáng; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật theo hướng bảo vệ DN, khuyến khích các doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo, ngăn ngừa, thải loại những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Cùng doanh nhân bứt phá

Đa số doanh nghiệp (DN) cho biết đã phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nhân cũng đang đứng trước không ít thách thức đòi hỏi bản lĩnh, ý chí tự lực của doanh nhân cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG,
Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3:

Cùng nhau chia sẻ đơn hàng, đón cơ hội mới

Chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của thế giới biến động đang ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam (VN). Trước những khó khăn đó, tinh thần đoàn kết của doanh nhân VN được phát huy. Cụ thể các công ty dệt may kết nối, cùng nhau chia sẻ những đơn hàng để giữ ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách giảm, giãn nộp thuế. Quan trọng nhất là có nguồn vốn với lãi suất hỗ trợ để DN có sức lực vượt qua những khó khăn mới.

Khi có lực, đảm bảo lực lượng lao động thì doanh nhân, DN mới có thể nắm bắt những cơ hội để bứt phá trong năm 2023.

Ông NGUYỄN VĂN MỸ,
Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt:

Hỗ trợ dịch vụ đón khách quốc tế

Du lịch VN tiếp tục đà phục hồi với nhiều triển vọng, trong đó du lịch nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn ngành. Lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa mục tiêu của ngành du lịch. VN có thể thu hút được 100 triệu du khách trong năm nay. Hiện du khách quốc tế cũng bắt đầu đến VN nhiều hơn.

Tuy nhiên, hiện ngành du lịch vẫn khó khăn về nguồn vốn. Như khối khách sạn, nhà hàng cần vốn để sửa sang, nâng cấp phòng ốc, đầu tư dịch vụ mới. Vì vậy rất cần ngành ngân hàng đồng hành.

Nhà nước cũng nên có chính sách nâng đỡ dịch vụ cho khách quốc tế. Vì nhiều hoạt động ngưng trệ sau dịch vẫn kéo dài như hệ thống bán hàng tranh sơn mài nghỉ, hàng loạt cửa hàng tranh thêu tay đóng cửa, chương trình múa rối nước trong bảo tàng lịch sử cũng không diễn nữa… Đây tưởng chừng là những chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ nên cần phải được hỗ trợ kịp thời. Thực tế du khách quốc tế vào VN bị thu hút bởi những dịch vụ bản sắc của dân tộc, nếu du khách vào đông mà chúng ta không có những dịch vụ này thì lấy gì để phục vụ họ.

Ngoài ra, mong muốn của doanh nhân là mọi thứ liên quan đến du lịch phải minh bạch, nhất là về số liệu; các chính sách do Nhà nước ban hành phải thiết thực, rõ ràng và đơn giản hóa thủ tục để dễ thực hiện.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủtịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T:

Khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại

Tháng 9 vừa rồi, VN đã xuất khẩu được trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, đó là trái cây tỉ đô. Trong tháng 10, trái bưởi VN cũng đã có mặt tại thị trường Mỹ. Đây là loại trái cây tiềm năng vì nước ta đang có công nghệ bảo quản, vùng nguyên liệu, chất lượng trái bưởi cạnh tranh hơn các nước Nam Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN.

Nhưng để có thể tăng tốc trong thời gian tới, ngành rau quả cũng như các ngành hàng khác cần phải nắm các lợi thế của VN là các hiệp định thương mại tự do và kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Doanh nhân VN cần tận dụng những lợi thế đó để mở rộng ra những thị trường mới, tham gia các hội chợ quốc tế đẩy mạnh tiếp xúc với nhiều đối tác.

Đồng thời tận dụng cơ hội xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương tổ chức, kết nối tham tán thương mại các nước để đưa hình ảnh sản phẩm của DN đến nhiều khách hàng hơn.

DN cũng phải cải tiến quy trình công thức bảo quản, quy trình canh tác, chế biến để bảo đảm chất lượng nông sản tốt nhất. Đây cũng là những vấn đề mà các doanh nhân cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước.

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội DN logistics VN:

Cần quỹ đất, giá thuê đất hợp lý

Tròn một năm bình thường hóa hậu dịch COVID-19, mọi hoạt động ngành nghề đều trở lại bình thường. Dù còn những khó khăn nhưng các doanh nhân, DN đã đồng hành cùng Nhà nước để vượt qua khó khăn. Hiện các DN đang hoạt động trở lại bận rộn nhưng muốn bứt phá trong năm tới thì cần những cú hích mạnh mẽ từ Nhà nước.

Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi lãi suất nhất định để DN đầu tư, cạnh tranh. Đây là yếu tố hết sức quan trọng đối với DN lúc này và cần ngân hàng đồng hành. Tại một số nước trên thế giới, vốn vay thậm chí lãi suất âm nhờ được nhà nước hỗ trợ.

Thứ hai, đừng đẻ thêm chi phí, tạo thêm các tình huống bất lợi, ảnh hưởng rất lớn đến DN như tình trạng thiếu nhiên liệu hiện nay. Các bộ, ban ngành chính quyền cần phải phối hợp chặt chẽ trong quản lý điều hành chính sách.

Cuối cùng là cần có quy hoạch quỹ đất để phát triển logistics, vì mức giá cho thuê phù hợp thì DN mới có thể đầu tư. Hiện nay đất khu công nghiệp tăng phi mã, có nơi giá thuê tăng gấp đôi so với cách đây ba năm.

QUANG HUY - PHƯƠNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm