Mới đây, ông Lâm Tấn Thọ (ngụ xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM liên quan việc bồi thường, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Khánh Vĩnh.
Viết “giấy cho ở tạm” sau khi mua bán
Ông Thọ trình bày năm 2010, gia đình ông xây dựng căn nhà cấp 4 trên thửa đất số 202, tờ bản đồ số 9 thuộc xã Khánh Bình. Thửa đất trên rộng 706 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hồi năm 2013.
Đến năm 2020, ông Thọ bán thửa đất trên cho bà LTH ở cùng địa phương. Sau đó thửa đất được chính quyền cấp đổi giấy chứng nhận sang cho bà H.
Ngoài hợp đồng mua bán được công chứng, hai bên viết tay “giấy cho ở tạm” với nội dung bà H cho gia đình ông Thọ ở trên lô đất này từ ngày 26-11-2020 đến 26-5-2022. Sau thời hạn trên, gia đình ông Thọ phải trả lại đất.
Năm 2022, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua lô đất trên và căn nhà ông Thọ đang ở. UBND huyện Khánh Vĩnh đã ra quyết định thu hồi đất; quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho bà H tổng cộng hơn 1,7 tỉ đồng. Trong đó có hơn 770 triệu đồng bồi thường về nhà ở là căn nhà mà gia đình ông Thọ đang ở. Từ đó, ông Thọ đã khiếu nại đến chính quyền.
Theo ông Thọ, năm 2020, gia đình ông làm ăn thất bại, nợ nần nên muốn bán nhà để trả nợ. Lúc này, bà H đặt vấn đề “mua đất nhưng không mua nhà”. Lý do là nhà gia đình ông Thọ đang ở nằm trên đất quy hoạch giao thông.
“Bà H chỉ mua đất và đồng ý cho chúng tôi được lưu cư. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi bán đất mà không tháo dỡ nhà. Căn nhà này vẫn thuộc quyền sở hữu của tôi” - ông Thọ nói.
Ông Thọ cũng cho rằng gia đình ông đang sinh sống trên căn nhà trên, hộ khẩu trước đây cũng được chính quyền địa phương cấp. Ông đang kinh doanh vật liệu xây dựng, có giấy phép kinh doanh.
Do đó, ông Thọ cho rằng Hội đồng bồi thường huyện Khánh Vĩnh chỉ làm việc với bà H, đo đạc xác định diện tích đất mà không làm việc với ông về giá trị căn nhà là không đúng quy định, làm thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông.
Ông Thọ cho rằng phần bồi thường nhà ở là của ông và ông phải là người trực tiếp kê khai nhận khoản bồi thường.
UBND huyện hướng dẫn gửi đơn đến tòa
Trong khi đó, đại diện phía bà H cho rằng gia đình bà đã nhận chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, việc nhận tiền bồi thường nhà ở là do gia đình bà H quyết định. Bà H cũng đề nghị ông Thọ thực hiện cam kết giao trả lại thửa đất.
Trả lời khiếu nại của ông Thọ, UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết trong hợp đồng chuyển nhượng và giấy chứng nhận thửa đất trên đều để trống mục “nhà ở”.
Hiện trạng có nhà trên đất nhưng chưa làm thủ tục xác nhận tài sản trên đất vào giấy chứng nhận trước và sau khi chuyển nhượng. Vì vậy, mục “nhà ở” để trống, không ghi nội dung, không đủ cơ sở chứng minh là không bán nhà nên không ghi.
Cạnh đó, giấy cho ở tạm có nội dung “cho ở từ ngày 26-11-2020 đến 26-5-2022, sau thời gian đó phải hoàn trả lại đất nói trên” không đủ cơ sở để xác định nhà này là của ông Thọ.
UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng đã ra văn bản thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, không thu hồi nhà ở. Việc điều tra, đo đạc, kiểm kê khối lượng giải tỏa trong đó có nhà ở trên diện tích bị thu hồi, không phải kiểm kê khối lượng giải tỏa do bị thu hồi nhà ở.
UBND huyện Khánh Vĩnh cũng ra quyết định thu hồi đất, kiểm kê, đo đạc, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi là bà H. Chính quyền không ra các quyết định đối với ông Thọ do không phải là trường hợp bị thu hồi đất để thực hiện dự án.
Từ đó, UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng khiếu nại của ông Thọ là không có căn cứ nên đã bác toàn bộ nội dung khiếu nại trên.
Ngoài ra, UBND huyện Khánh Vĩnh cũng cho rằng việc khiếu nại của ông Thọ thực chất là tranh chấp tài sản. Vì vậy, UBND huyện đã có công văn hướng dẫn ông Thọ gửi đơn đến tòa án để giải quyết theo quy định.
Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, ông Thọ cho biết sẽ xem xét tiếp tục khiếu nại để đòi quyền lợi của gia đình vì hiện nay gia đình ông không có nơi cư trú.