Đòi nợ bất chấp, coi chừng đi tù!

(PLO)- Để tránh vướng vòng lao lý khi đi đòi nợ, việc đầu tiên là chủ nợ cần phải giữ được sự bình tĩnh và sử dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp với pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng chủ nợ đi đòi nợ rồi trở thành bị cáo, con nợ thành bị hại xảy ra ngày một nhiều. Điều này xuất phát từ việc đòi nợ sai cách, dẫn đến tiền không đòi được mà còn vướng vào lao lý.

Vướng tù tội từ việc đi đòi nợ

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Thị Chiến 10 năm sáu tháng tù về hai tội giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Sáu đồng phạm của Chiến cũng bị tuyên phạt tù.

Vụ án này bắt nguồn từ việc chị C (bị hại) vay hơn 5,1 tỉ đồng của bị cáo Chiến và con trai nhưng không trả. Quá trình bị đòi nợ, chị C nhờ công an can thiệp, công an yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp nợ đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau đó các bị cáo đã “giam lỏng” chị C trong nhà bằng cách chắn ô tô trước cửa, thuê người canh giữ, không cho người ngoài vào. Khi chị C gọi taxi để đi ra ngoài thì bị nhóm này giữ chân...

Bị cáo Nguyễn Thị Chiến (ngoài cùng, bên phải) và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Nguyễn Thị Chiến (ngoài cùng, bên phải) và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Hay một sự việc thương tâm khác xảy ra tại TP Đà Nẵng, hậu quả là con nợ đã tử vong. Theo đó, ngày 13-4, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Luận để điều tra về tội bắt giữ người trái pháp luật. Ngoài ông Luận, công an cũng khởi tố con ruột và em ruột ông Luận cùng tội danh trên.

Theo điều tra ban đầu, nạn nhân là anh K (32 tuổi). Anh K có lấy thiết bị lắp đặt âm thanh của ông Luận trị giá hơn 100 triệu đồng nhưng chưa trả tiền. Khi đòi nợ tiền lấy hàng không được, để tạo áp lực, ông Luận đã đưa anh K về kho hàng của mình và khóa trái cửa bên ngoài. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, ông Luận phát hiện anh K đã tự tử...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Bùi Thanh Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trên thực tế, nhiều chủ nợ vì tâm lý giận dữ, quá nóng lòng thu hồi nợ nên đã sử dụng những biện pháp tiêu cực. Một số hành vi thường thấy như tự mình hoặc thuê người khác sử dụng vũ lực để đòi nợ; tạt sơn, chất thải vào nhà con nợ, đập phá tài sản của con nợ để gây áp lực; tự ý lấy tài sản của con nợ để cấn trừ nợ; bắt; đưa ảnh và thông tin của con nợ lên các nền tảng mạng xã hội, ghép, tung ảnh nhạy cảm của họ nhằm gây áp lực để họ trả nợ… Những biện pháp tiêu cực này đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con nợ - là đối tượng được pháp luật bảo vệ.

Đồng tình, TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) còn cho rằng đặc biệt một số chủ nợ còn có hành vi đe dọa, chửi rửa, đánh đập, giam giữ con nợ hoặc người thân của họ… Theo TS-LS Vinh, những hành vi trên là trái pháp luật, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS), làm nhục người khác (Điều 155 BLHS), bắt giữ người trái pháp luật (Điều 157 BLHS)…

Nhiều cách thu hồi nợ hợp pháp

Phân tích thêm, ThS Nguyễn Nhật Khanh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng vì muốn sớm đòi được khoản nợ hoặc e ngại đưa vụ việc ra các cơ quan chức năng nên nhiều trường hợp bên cho vay đã thuê dịch vụ “đòi nợ thuê”. Do không nắm rõ các quy định của pháp luật nên nhiều trường hợp chủ nợ từ nạn nhân đã biến thành chủ thể phạm pháp.

Đòi nợ sai cách, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì tùy hành vi mà chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật…

Theo ThS Khanh, ở mức độ nhẹ, một số hành vi vi phạm khi đòi nợ có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể như đăng tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con nợ trên mạng xã hội bị xử phạt 5-10 triệu đồng đối với cá nhân (Điều 101 Nghị định 15/2020); tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị xử phạt 2-3 triệu đồng (điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021); gây mất trật tự công cộng bị xử phạt đến 8 triệu đồng (điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021)… Mức độ nghiêm trọng hơn, hành vi đòi nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như TS-LS Kim đã nêu.

Từ những thực tiễn trên, để tránh vướng vòng lao lý khi thu hồi nợ, theo LS Bùi Thanh Hoan, việc đầu tiên là chủ nợ cần phải giữ được sự bình tĩnh và sử dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp với pháp luật. Khi con nợ chậm trả, chây lì trong việc trả nợ, chủ nợ cần chủ động liên hệ, làm việc với con nợ để thỏa thuận với nhau về phương thức, thời hạn thanh toán trên tinh thần thiện chí. Thậm chí chủ nợ có thể xem xét hỗ trợ khó khăn cho con nợ bằng cách giảm lãi vay (nếu có) trong trường hợp cần thiết.

Nếu không thống nhất được thì theo LS Hoan, chủ nợ cần đưa vụ việc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, tránh sử dụng biện pháp thuê, nhờ các chủ thể không có chức năng thu hồi nợ hoặc các thành phần bất hảo vì rất dễ dẫn đến các hậu quả pháp lý không đáng có. Cạnh đó, chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu người vay tiền thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đây là phương thức đòi nợ hợp pháp.

Cũng theo LS Hoan, trong trường hợp có căn cứ chứng minh con nợ cố tình không trả nợ đúng hạn mặc dù có khả năng, sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, dùng tài sản đã vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ… thì chủ nợ có thể tố giác con nợ với công an về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Điều 175 BLHS 2015.

Phòng từ lúc cho vay bằng các biện pháp bảo đảm

Trước khi thực hiện hành vi đòi nợ, chủ nợ nên gửi thông báo đến con nợ nhằm nhắc nhở họ về nghĩa vụ hoàn trả nợ. Chủ nợ có thể thỏa thuận về phương thức trả nợ, tạo điều kiện cho con nợ hoàn trả theo nhiều đợt trong khoảng thời gian hợp lý. Ngoài ra, chủ nợ cũng có thể yêu cầu con nợ thực hiện một số công việc không trái với pháp luật nhằm cấn trừ số nợ như bán tài sản, cung ứng dịch vụ...

Đồng thời, chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa để cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực thi việc cưỡng chế buộc bên vay phải trả nợ cho mình và có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản, cấm chuyển dịch tài sản… để bảo đảm việc thi hành án. Tuy nhiên, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất đó là biện pháp phòng ngừa rủi ro khi cho vay, đó là phải thực hiện các biện pháp bảo đảm bằng hình thức cầm cố, thế chấp tài sản... theo Điều 292 BLDS 2015.

TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm