Một trận đấu của đội tuyển Malaysia và đội tuyển bóng đá Việt Nam. |
Theo Malaymail, ý tưởng tuyệt vời trên được hình thành với mong muốn, giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường như một trách nhiệm chung.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia - Hannah Yeoh chia sẻ: “Điều chúng tôi muốn là mỗi khi đội tuyển Malaysia ra sân thi đấu, tất cả những CĐV đều tham gia vào nỗ lực bảo tồn loài động vật này cho các thế hệ tương lai của Malaysia”.
Năm 2021, báo động về loài hổ Mã Lai đang trên bờ vực tuyệt chủng, có thể bị xóa sổ trong vòng từ 5-10 năm cũng đã được quốc hội nước này ghi nhận.
Tổng thư ký bộ K. Nagulendran cho biết, 1 ringgit quyên góp không chỉ được chuyển đến Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu mà còn giúp các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cộng đồng Orang Asli cùng tham gia vào nỗ lực này.
Ông Nagulendran hy vọng số tiền tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần nâng cao được nhận thức của giới trẻ. Ông cũng chỉ ra rằng, COVID-19 là một bệnh lây truyền từ động vật sang người, do việc môi trường sống của động vật bị phá hủy.
Ông Nagulendran cho biết thêm: “Chúng ta là một phần của tự nhiên và tất cả chúng ta đều kết nối với nhau”.
Tiến sĩ Nagulendran đã chỉ ra sự tương đồng với khoản thu 0,20 ringgit cho các loại túi nhựa tại các bang Selangor và Penang, khẳng định đó không chỉ là phương thức thay thế để kiếm tiền cho nỗ lực bảo tồn, mà còn nâng cao nhận thức về nguyên nhân. Ông Nagulendran cho biết, những nỗ lực tương tự đã được thực hiện ở các quốc gia khác.
Theo báo cáo của hãng thông tấn quốc gia Bernama, ngân sách 38 triệu ringgit đã được Malaysia phân bổ, nhằm bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.
Bộ trưởng Yeoh chia sẻ thêm, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) nhận định sáng kiến này không giới hạn thời gian, bởi đây là một chương trình dài hơi và sẽ tiếp tục cho đến khi thành công.
Được biết, “Hổ Malayan” cũng chính là biệt danh của đội tuyển bóng đá Malaysia tại đấu trường khu vực.