Chuẩn bị cho vòng chung kết U-23 châu Á khai mạc vào ngày 12-1, thầy trò Miura tất bật hơn hai tháng mà vẫn thấy thiếu trước hụt sau. Nỗi lo muôn thuở luôn là những ca chấn thương xảy ra liên miên buộc ông thầy người Nhật phải thay đến bốn cầu thủ. Giờ chót phải mang dư người sang Qatar để phòng hờ. Khi một vài trụ cột bất đắc dĩ phải ở nhà, HLV Miura phải thay đổi cách chơi dù chưa ai có thể đoán ra học trò ông sẽ chơi ra sao. Ông không thể an tâm ở tuyến giữa có nhiều người bị chấn thương hoặc vừa hồi phục nhất, trong khi hàng thủ phải vá víu bằng một số cầu thủ chơi trái sở trường.
Đặc biệt ở hàng tấn công đội tuyển làm ông Miura đau đầu nhất khi gọi các chân sút Việt Nam ngày càng không biết cách ghi bàn. Ông cho rằng sự hạn chế ấy bắt nguồn từ CLB và rất khó chỉnh sửa trong thời gian ngắn nên chỉ biết có sao chơi vậy.
Không biết có phải vì sức ghi bàn của U-23 Việt Nam quá kém hay vì VFF không thể mời các đối tượng giao hữu mạnh mà ông Miura rất khiêm tốn chọn một đội J-League 2 đá giao hữu và chơi hai lượt cùng một đội hạng 4 của Nhật. Các đối thủ này chủ yếu nhờ sự quen biết của HLV Miura chứ không phải do mối quan hệ của VFF. Đội tuyển thiếu đội mạnh cọ xát. Ở thế thiếu quân xanh, ông Miura buộc lòng phải mời đội B. Bình Dương đá tập chủ yếu giúp học trò quen thuộc hơn với cảm giác thi đấu.
Điều này từng xảy ra không chỉ một lần dưới thời kỳ của HLV Miura như hồi chuẩn bị vòng loại World Cup 2018 có đến hai lần Philippines và Kuwait hủy đá giao hữu khiến đội tuyển chỉ tập chay.
Hy vọng trong cái khó lại ló cái khôn đối với thầy trò ông Miura. Ảnh: XUÂN HUY
Nỗi lo chấn thương cứ chồng chất lên các cầu thủ U-23 Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY
Thực tế thì U-23 Việt Nam lần này dự kiến còn hai trận giao hữu nữa gặp U-23 Yemen và U-23 Nhật Bản trên đất Qatar. Nhưng đấy chỉ là giải pháp chữa cháy vì quá cận ngày vào giải nên các đối thủ không dại đá hết chân.
Trong khi thầy trò Miura vẫn vừa chạy vừa xếp hàng thì các đội nằm chung bảng đều đã hoàn chỉnh các mảnh ghép. Họ toàn chơi với các đội mạnh để hoàn thiện đội hình, như UAE đá với U-23 CHDCND Triều Tiên, U-23 Hàn Quốc, U-23 Trung Quốc; tương tự, U-23 Jordan giao hữu hai lượt với U-23 CHDCND Triều Tiên, U-23 Uzbekistan; hay đội tuyển U-23 Úc thì đá với nhiều đội bóng mạnh cỡ Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Iran…
HLV Miura táo bạo đặt chỉ tiêu vào đến tứ kết giải U-23 châu Á nhưng với quá trình chuẩn bị còn lúng túng và thiếu chu đáo. Dù sao thì phần an ủi là việc đánh giá đội U-23 Việt Nam như một “bí ẩn ở Qatar” và những điểm nhấn nơi HLV Miura mà báo chí nước ngoài đánh giá cao ông.
Không biết có phải vì ở trong chăn nên biết tất tần tật và bi quan hay vì người ngoài đánh giá cao ta từ những kỳ tích trước đó giống như kiểu đưa lên mây trước giải.
Dù sao thì vẫn cứ hy vọng trong cái khó lại ló cái khôn như hồi Asiad làm nên kỳ tích vậy.
Thầy trò Miura đón giao thừa… trên trời Chuyến bay từ TP.HCM kéo dài 11 tiếng nên đội tuyển U-23 Việt Nam phải bay xuyên đêm qua thời khắc chuyển giao năm mới. 6 giờ sáng qua (1-1), thầy trò Miura về đến khách sạn bốn sao Holiday Villa và tranh thủ ngủ vùi (giờ Qatar là 2 giờ sáng). Do đến sớm hơn 10 ngày, đội tuyển U-23 Việt Nam phải chịu chi phí ăn ở cho đến ngày 10-1. Ngay trong buổi chiều qua, các học trò ông Miura có buổi tập đầu tiên trên đất khách. |