Chính phủ Mỹ hôm 30-4 đã thông qua một thỏa thuận ngắn hạn để ngăn chặn việc chính phủ phải ngừng hoạt động. Nhưng với những tuyên bố bóng gió sự “thất vọng” từ phía ông Trump, đảng Dân chủ có thể sẽ làm căng vấn đề ngân sách và chính phủ Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa trong thời gian tới.
Kẹt ngân sách vì… bức tường
Trước ngày thông qua dự luật ngân sách liên bang 28-4, chính phủ Mỹ và các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội vẫn bất đồng về dự luật mà Nhà Trắng đưa ra. Trong khi đảng Dân chủ muốn dành ngân sách cho chương trình chăm sóc y tế Obamacare, đảng Cộng hòa của ông Trump lại đề nghị chi ngân sách cho việc xây bức tường ở biên giới Mexico. Trong kế hoạch ngân sách gửi Quốc hội, ông Trump yêu cầu số tiền xây dựng ban đầu là 1,4 tỉ USD.
Ngay cả một số nghị sĩ Cộng hòa ở các bang khu vực biên giới cũng phản đối việc xây tường vì cho rằng nó quá đắt đỏ và không đem lại nhiều lợi ích. Còn phe Dân chủ đương nhiên đã phản đối kịch liệt vì cho rằng xây tường là một việc làm không hiệu quả. Lãnh đạo Dân chủ trong Hạ viện, bà Nancy Pelosi, thậm chí còn gọi bức tường là “vô đạo đức, đắt đỏ, không khôn ngoan”. “Tôi cho rằng việc tổng thống nói về bức tường này là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém” - bà Pelosi nói. Theo bà, khi ông Trump nói sẽ xây dựng bức tường biên giới trong chiến dịch tranh cử, ông ấy chưa bao giờ nói rằng bức tường này sẽ phải tốn hàng tỉ USD từ tiền thuế của người dân. Bà Pelosi cho rằng việc kiểm soát biên giới là quan trọng nhưng việc xây tường thì không cần thiết.
Trong khi đó, chính phủ ông Trump luôn kiên quyết thực hiện cam kết xây dựng bức tường để chặn dòng người nhập cư. “Phe Dân chủ không muốn chi tiền ngân sách để trả cho bức tường mặc dù thực tế nó sẽ ngăn chặn ma túy và thành viên các băng đảng” - ông Trump viết trên Twitter. Tổng thống Mỹ cho rằng nếu hai bên không đồng thuận dẫn đến chính phủ phải đóng cửa thì đó sẽ là “một điều rất tiêu cực”. “Tôi không thể tưởng tượng phe Dân chủ có thể để chính phủ đóng cửa vì phản đối chi tiêu cho việc xây dựng một bức tường có thể chấm dứt tình trạng vô pháp luật” - ông chỉ trích đảng Dân chủ trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC.
Theo The New York Times, thực tế là trong quá trình đàm phán ngân sách, chính quyền ông Trump cũng đã tỏ ra nhượng bộ khi đề xuất sẽ tiếp tục chi trả cho các công ty bảo hiểm tham gia đạo luật Obamacare, đổi lại là ngân sách xây tường sẽ được thông qua. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị đảng Dân chủ bác bỏ. Trong quá trình đàm phán ngân sách, đảng Dân chủ cũng kêu gọi hỗ trợ tài chính cho chương trình chăm sóc y tế Medicaid của vùng lãnh thổ Puerto Rico. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối ý kiến này. Ông Trump khẳng định nếu làm như vậy sẽ là không công bằng với các bang.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ phản đối ngân sách dành để xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà Nhà Trắng đề xuất. Ảnh: AP
Ông Trump hôm 2-5 tuyên bố chính phủ Mỹ nên đóng cửa để giải quyết “tình trạng lộn xộn”. Ảnh: AP
Đổ thêm dầu vào lửa
Quốc hội Mỹ hôm 30-4 đã bỏ phiếu thông qua một dự luật ngân sách ngắn hạn nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ, trong thời gian các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thêm một tuần để đàm phán về dự thảo ngân sách cho phần còn lại của tài khóa. Dự luật cho phép cấp ngân sách tạm thời cho các hoạt động của cơ quan chính phủ tới ngày 5-5.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump ngày 2-5 lại bất ngờ viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông ủng hộ chính phủ đóng cửa để giải quyết “tình trạng hỗn độn”. “Lý do phải đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ là vì chúng ta cần 60 phiếu bầu tại Thượng viện mà lại không có đủ trong tay. Hoặc là cần bầu thêm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vào năm 2018 hoặc thay đổi luật lệ hiện nay thành 51%... Đất nước chúng ta cần một lần đóng cửa “tích cực” để chấm dứt tình trạng hỗn độn này” - ông Trump viết trên Twitter.
Ngay lập tức bị nhiều nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng điều này có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại không nhỏ. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng lên án động thái này, cho rằng không có một tổng thống nào lại sẵn lòng làm như vậy. Tờ Atlantic nhận định trong bối cảnh hiện tại, nếu ông Trump đổ thêm dầu vào lửa bằng việc tuyên bố cứ đóng cửa chính phủ, phe Dân chủ có khả năng sẽ lại càng cương quyết hơn trên bàn đàm phán. “Nếu chính quyền một mực đòi tiền xây dựng bức tường trong dự luật ngân sách, việc này sẽ khiến nguy cơ dự luật không được thông qua và viễn cảnh phải đóng cửa chính phủ là rất cao” - thượng nghị sĩ Chuck Schumer cảnh báo.
Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách Nhà Trắng (OMP) Mick Mulvaney trong cuộc họp báo hôm 2-5 đã thừa nhận ông Trump viết thông điệp đó là do đang thấy “thất vọng”, cho rằng đảng Dân chủ đang “kiêu căng” muốn thể hiện sự thắng thế của mình. Ông Mulvaney cũng khẳng định “việc đóng cửa chính phủ không phải là một mục tiêu, mà là một công cụ để thương lượng”. Tờ New York Times cho rằng thái độ “thất vọng” này của ông Trump một phần xuất phát từ việc dự luật bãi bỏ và thay thế Obamacare của ông một lần nữa bị trì hoãn bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 2-5.
Việc chính phủ đóng cửa sẽ không chỉ khiến cho nền kinh tế của Mỹ bị ảnh hưởng mà còn lan ra ngoại giao, thị trường tài chính, du lịch... Vào thời điểm năm 2013, khi chính phủ liên bang dưới thời Tổng thống Barack Obama phải đóng cửa, hãng phân tích Moody’s Analytics ước tính rằng việc đóng cửa chính phủ kéo dài 3-4 tuần sẽ khiến Mỹ mất vào khoảng 55 tỉ USD, trong khi hãng Goldman Sachs ước lượng rằng việc đóng cửa chính phủ ba tuần sẽ giảm tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ 0,9%.
Bài học “xương máu” chưa quên? Chính phủ liên bang dưới quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2013 cũng từng lâm vào cảnh bị đóng cửa (từ ngày 1 đến 17-10) do Quốc hội không thông qua được dự luật phân phối ngân sách cho năm tài khóa 2014. Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến việc này là do bất đồng giữa Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) và Thượng viện (do đảng Dân chủ chiếm đa số) về chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng Obamacare, buộc tất cả người Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt hành chính. Giới nhà giàu và các nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này, cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỉ USD tiền thuế đối với người Mỹ. Hai bên không đạt được sự đồng thuận đã dẫn đến việc ngân sách bị kẹt và chính phủ phải đóng cửa do cạn tiền. Hơn 800.000 người trong tổng số 2,1 triệu nhân viên liên bang phải nghỉ việc không lương, trong khi công tác chi trả lương hưu và trợ cấp cựu chiến binh bị tạm ngừng, còn các hồ sơ xin thị thực bị “đóng băng” phải nằm chờ. Tượng Nữ thần tự do - biểu tượng của TP New York và nước Mỹ - cũng bị đóng cửa không đón khách tham quan, trong khi gần như toàn bộ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngừng hoạt động. Chuyến công du của ông Obama đến châu Á để tham dự hội nghị APEC 2013 ở Indonesia và hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Brunei cũng buộc phải hủy bỏ, cuộc họp của các quan chức thương mại Mỹ với Liên minh châu Âu cũng bị hoãn do các quan chức không thể đến Brussels. Việc chính phủ bị đóng cửa từng xảy ra ở các đời tổng thống Mỹ trước đây. Cho đến thời điểm năm 2013, chính phủ Mỹ tổng cộng đã từng bị đóng cửa 18 lần, trong đó lần đóng cửa dài nhất là 21 ngày, từ 16-12-1995 đến 6-1-1996, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. |