“UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan chấm dứt hoạt động nhà Hạnh Phúc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và tổ chức hồi gia đối với trẻ em có gia đình, chuyển các trẻ mồ côi vào các cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước quản lý. Tôi cho rằng UBND TP.HCM đã xử lý đúng quy định của pháp luật...” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Xem xét từng trường hợp, tránh gây sốc
. Phóng viên: Thưa ông, ông có nhận xét gì về việc TP.HCM có quyết định đóng cửa nhà Hạnh Phúc?
Việc làm thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng để cùng Nhà nước chăm lo, giúp đỡ những người yếu thế luôn được khuyến khích, trân trọng. Song hoạt động của tổ chức, cá nhân nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Chiếu theo quy định pháp luật thì nhà Hạnh Phúc chưa đạt chuẩn.
Địa phương đã làm rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình, như đi kiểm tra, giám sát… Cuối năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở trên không đảm bảo và lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động, trả trẻ về trước 30-5-2015. Tuy nhiên, chủ cơ sở xin gia hạn thời gian triển khai quyết định trên. Hết thời hạn, cơ sở vẫn chưa thực hiện quyết định dừng hoạt động nên chính quyền kiên quyết đóng cửa.
. Theo ông, cần làm gì để các em có cuộc sống tốt hơn khi rời nhà Hạnh Phúc?
+ Hồi gia đối với trẻ em có gia đình nhận, chuyển các trẻ mồ côi vào các cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước quản lý. Hai phương án này là tối ưu rồi, không có phương án nào tốt hơn. Chúng tôi muốn lưu ý với TP là cần có phương án giải quyết linh hoạt, làm sao không tạo ra yếu tố bất ngờ và biến động lớn về tâm lý cho các cháu. Các cháu là trẻ con, gắn bó với nhau nhiều năm nên khi tách ra sẽ có sự hụt hẫng. Chúng ta cần đưa các cháu đi thăm trước các cơ sở mới để làm quen. Đối với các cháu sẵn sàng hồi gia cần kiểm tra, xác minh gia đình đó có đủ điều kiện cho các cháu có cuộc sống ổn định không. Đồng thời, nghe ý kiến của các cháu có muốn về gia đình không, cháu nào chưa sẵn sàng và vướng ở đâu phải tháo gỡ... Cần xem xét từng trường hợp cụ thể, không làm chung chung, tránh gây sốc cho các cháu. Chúng tôi mong muốn dù về gia đình hay ở trung tâm mới đều phải đảm bảo cho các cháu có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi đang ở.
Các em ở nhà Hạnh Phúc vui mừng mỗi dịp đón khách tới thăm. Ảnh: HL
Tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng
. Có ý kiến cho rằng Nhà nước nên tạo điều kiện cho nhà Hạnh Phúc bổ sung điều kiện còn thiếu để tiếp tục nuôi dưỡng trẻ chứ không nên dừng hoạt động?
+ Quan điểm của chúng tôi là nếu chủ cơ sở nhà Hạnh Phúc vẫn tha thiết tham gia vào công việc này với tấm lòng hết sức trong sáng, không có động cơ gì khác, cần tạo điều kiện như hướng dẫn cho chủ cơ sở biết các quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với cơ sở này chỉ nhận được hai đến ba cháu, nếu nhận thêm là chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, nếu chủ cơ sở muốn chuyển địa điểm cho đúng quy định và có nguyện vọng thuê đất, cần hỗ trợ mặt bằng thì trong khuôn khổ pháp luật chính quyền địa phương nên tạo điều kiện.
. Nhà nước có chính sách khuyến khích cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ như cho hưởng chính sách đất đai, nguồn nhân lực nhưng trên thực tế để được hưởng chính sách này rất khó khăn?
+ Hiện chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật đầy đủ nhưng không phải ai cũng nắm được quy định. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền các cấp quan tâm, ưu tiên, có trách nhiệm tiếp cận, tư vấn hướng dẫn cho những người có ý muốn thiện nguyện tiếp cận những chính sách của Nhà nước cũng như vai trò của họ đối với xã hội.
Sửa quy định cho hợp lý
. Ngoài cơ sở nhà Hạnh Phúc, nhiều cơ sở khác cũng bị buộc phải đóng cửa vì không xin được giấy phép. Trên thực tế, nhiều cơ sở xin giấy phép rất khó do vướng các quy định hiện hành. Cụ thể, Nghị định 68/2008 (về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội) yêu cầu về diện tích, nhân viên, cơ sở vật chất... quá cao trong khi quỹ đất ở thành phố có hạn, nhu cầu chăm sóc trẻ em khó khăn...
+ Sắp tới Bộ sẽ đánh giá lại các điều kiện về cơ sở vật chất, nếu chưa phù hợp thì kiến nghị Chính phủ sửa đổi theo hướng phù hợp hơn. Nhà nước khuyến khích các cơ sở bảo trợ xã hội khi thành lập phải đủ điều kiện tối thiểu để trẻ có thể sống, vui chơi, học tập, được tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề.
Các trung tâm theo mô hình này là mô hình tương đối hỗ trợ toàn diện cho các cháu chứ không chỉ ăn, ở. Thực ra, chúng ta mong muốn ai đủ điều kiện lập được cơ sở thì lập, còn không, khuyến khích nuôi tại gia đình từ hai đến ba trẻ, như vậy sẽ không cần phải theo quy định trên.
Các nước trên thế giới đã dừng đưa trẻ em vào trung tâm cách đây vài chục năm. Họ nhận thấy nuôi trẻ ở các trung tâm sẽ không bằng cộng đồng, nhất là ở cộng đồng ngay tại quê hương của các em, nơi có bạn bè, người thân. Ở đó các em phát triển tốt hơn là đưa các em đến nơi xa lạ, xung quanh toàn các em có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng đang hạn chế dần việc đưa trẻ vào các trung tâm, khuyến khích các gia đình nhận nuôi các em và trợ cấp cho các em. Tới đây chúng tôi đang triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển toàn bộ mạng lưới, hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm cả công lập và ngoài công lập đối với lĩnh vực này. Bên cạnh đó, rà soát hướng dẫn thực hiện chuyển đổi các mô hình trung tâm, cơ sở này để hoạt động thực sự hiệu quả, mang tính xã hội ngày càng rộng. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH NGUYỄN TRỌNG ĐÀM |