Tối 19-9, các nghệ sĩ Đoàn cải lương Kim Chung thực hiện chương trình văn nghệ nhằm ôn lại những vở tuồng mà “Vua ngâm Tao Đàn” từng thể hiện.
NSƯT Ngọc Hương kể cuối năm 1959, bầu Ba Bản thành lập đoàn Thủ Đô. Đây là đoàn đại ban hưng thịnh với dàn nghệ sĩ danh tiếng: NSND Út Trà Ôn, Ba Vân, NSƯT Hoàng Giang, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa... Lúc này, đoàn có soạn giả thường trực Thu An (chồng của NSƯT Ngọc Hương) và nhà báo Trần Tấn Quốc (bút hiệu Thanh Tâm-người sáng lập Giải Thanh Tâmnổi tiếng) nhiều uy tín trong giới kịch trường làm cố vấn nghệ thuật.
Dù đoàn đang hưng thịnh nhưng bầu Ban Bản vẫn muốn tìm kiếm nghệ sĩ trẻ để đào tạo và làm lực lượng kế thừa. Thanh Hải là người đầu tiên Hội đồng cố vấn nghệ thuật của đoàn nhắc tới, sau khi các ông xem Hải hát trên sân khấu đoàn Ánh Sáng của ông bầu Năm Tập. Thanh Hải được bầu Ba Bản mời về với hợp đồng tạm thời 150.000 đồng.
Về đoàn này, ban đầu Thanh Hải chỉ đóng các vai kép nhì, hoặc đóng đúp một số vai chính với “Vua Vọng cổ” Út Trà Ôn. Sau khi Út Trà Ôn, Hoàng Giang rời đoàn để lập đoàn hát mới – Đoàn CL Thống Nhất, các vai chính lúc này trên sân khấu Thủ Đô đều do Thanh Hải đảm nhận. Về sau, có thêm “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài về hát chia vai với “Vua ngâm Tao Đàn” Thanh Hải.
NSND Lệ Thủy cho biết: “Sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Hải thăng tiến. Bên cạnh anh nhờ có hai bậc thầy chỉ dạy đó là "quái kiệt" Ba Vân và soạn giả Thu An. Nhờ thế mà anh Thanh Hải có hàng loạt vai diễn rất ấn tượng trên sân khấu Thủ Đô như: Đào Cam Mộc (vở Tiếng trống sang canh), Châu Vũ Đào (Chiếc lá mùa thu), Hoàng tử (Trăng lên ngoài cửa ngục), Kim Bình (Sầu quan ải),…"
Nghệ sĩ Thanh Hải có lợi thế để nâng tên tuổi mình lên khi bầu Ba Bản lập thêm Hãng dĩa Hoành Sơn để lăng- xê, quảng cáo các đào kép của đoàn. Một số vở ăn khách của đoàn đã được hãng dĩa Hoành Sơn cho thu và bán rất chạy. Về sau, khi rời đoàn Thủ Đô, Thanh Hải còn thu độc quyền cho nhiều hãng dĩa khác như: Tứ Hải, Việt Hải, Hồng Hoa, Asia, Hồn Nước, Việt Nam,... Thanh Hải đã thu trên 100 vở tuồng và 200 bài ca cổ.
Sau nhiều năm theo nghề hát, nghệ sĩ Thanh Hải đã tìm cho mình một bạn diễn ưng ý đó là Ngọc Hương. Từ đoàn Thủ Đô, hai năm sau khi về diễn ở đoàn Kim Chưởng, họ càng ăn khách hơn.
Nghệ sĩ Tú Trinh cho biết: “Ba tôi là danh cầm đờn cò Chín Trích. Ông ít khi khen ai nhưng hễ nghe anh Thanh Hải ca, ông công nhận đây là tài năng của sân khấu. Tôi lúc đó còn trẻ, đi xem cải lương đã mê đắm những vai diễn của anh và chị Ngọc Hương. Cái hay của các nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương là tự khổ luyện để tìm cho mình một nét riêng trong ca diễn mà không trùng lắp với đồng nghiệp”.
NSƯT Minh Vương kể: “Có lần tôi hỏi anh Thanh Hải, từ đâu mà anh có cách ngâm Tao Đàn hay thế. Anh Thanh Hải cho biết hồi trẻ hằng đêm đều mở radio nghe chương trình ngâm thơ rồi mới ngủ. Tình cờ hôm đó anh nghe được giọng ngâm Tao Đàn của nghệ sĩ Hồ Điệp rất hay làm anh thao thức suốt đêm. Từ suy nghĩ tạo nét mới cho cải lương bằng việc chuyển những đoạn ngâm thơ sang lối Tao Đàn, mỗi tối sau khi nghe radio, anh đều đem các đoạn thơ ra ngâm. Tập luyện thuần thục khoảng một tháng anh mới bắt đầu áp dụng trong một số vở cải lương mà anh đang diễn. Trước đó, anh Thanh Hải trình bày ý định của mình và ngâm cho soạn giả Thu An nghe thử, được ông đồng ý. Vở diễn đầu tiên mà nghệ sĩ Thanh Hải ứng dụng ngâm Tao Đàn là “Chiếc lá mùa thu”.