Tay vợt người Ấn Độ chơi xuất thần sau set đầu thua 5-7, lội ngược dòng đánh bại Joao Menezes (Brazil) 6-4, 6-3 tại vòng sơ loại thứ ba. Đối thủ trong lần đầu tiên Grand Slam của anh ấy: Roger Federer, tay vợt được yêu thích nhất lịch sử Mỹ mở rộng.
Đấy là những gì chàng trai 22 tuổi đến từ quận Jhajjar, bang Haryana mong đợi, mặc dù anh không thể tin. “Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tin này là “trời ơi, bạn có nghiêm túc không?”. Đấy là điều tôi mơ ước. Tôi rất phấn khích khi đứng cùng sân đấu với Federer và học hỏi từ anh ấy” - Nagal chia sẻ với ESPN.
Đối với Nagal, lọt được vào vòng đấu chính Mỹ mở rộng là điều rất đáng tự hào. Năm ngoái anh thi đấu ở vòng loại Úc mở rộng, Pháp mở rộng và Wimbledon nhưng không thể giành chiến thắng trong một vòng đấu. Vào thứ Ba tới, Nagal sẽ trở thành tay vợt nam Ấn Độ thứ tư, sau Somdev Devvarman, Yuki Bhambri và Prajnesh Gunneswaran, thi đấu đơn tại Grand Slam. Nagal cũng là tay vợt trẻ nhất trong số này.
Sumit Nagal (phải) và Lý Hoàng Nam trong lần đoạt cúp đôi nam trẻ Wimbledon 2015. Ảnh: CMQ
Sumit Nagal tự hào cho biết: “Mỹ mở rộng có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Mọi trận đấu tôi đã chơi ở đây có một ý nghĩa đặc biệt. Tôi rất tự hào về bản thân và đội của mình”.
Hành trình đến với quần vợt của Nagal không hề dễ dàng. Khi còn là một đứa trẻ, anh đã say mê môn cricket trước khi cha anh (một quân nhân về hưu) bắt anh chuyển sang chơi một môn thể thao cá nhân. Học viện quần vợt Delhi là nơi Nagal bắt đầu cầm vợt từ khi mới bảy tuổi.
Bước đột phá lớn đầu tiên của Nagal đến vào năm 2007, khi anh được tuyển chọn tham dự Davis Cup. Đến năm 2015, Nagal giành được danh hiệu đôi nam trẻ Wimbledon khi đứng cặp cùng tay vợt Việt Nam Lý Hoàng Nam. Thành tích giúp anh trở thành tay vợt Ấn Độ thứ sáu giành được một danh hiệu Grand Slam.
Trong khi đồng đội của Lý Hoàng Nam có vinh dự trên thì tay vợt Việt Nam đang có phần chựng lại sau chức vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015. Hiện tại thứ hạng của Hoàng Nam đã tụt xuống vị trí 474 trên bảng xếp hạng ATP, bởi anh chỉ quanh quẩn với các mặt trận Futures và Challengers thay vì chọn bước đột phá lên chơi ở đẳng cấp cao hơn tại các giải đấu ATP World Tour.