Đồng loạt mở ngành Thiết kế vi mạch, thí sinh cần điều kiện gì?

(PLO)- Tính đến nay đã có hơn chục trường đại học trên cả nước thông báo dự kiến tuyển sinh ngành hoặc chuyên ngành về Thiết kế vi mạch từ năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, vi mạch nhưng nguồn nhân lực kỹ sư lại được dự báo thiếu hụt, nhiều trường ĐH trên cả nước đã xây dựng đề án mở ngành học mới này để tuyển sinh, đào tạo từ năm học 2024-2025.

Tại TP.HCM, từ năm 2023, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tuyển sinh thí điểm chuyên ngành Thiết kế vi mạch với mã ngành riêng để đánh giá nhu cầu người học và đề ra các công tác cần thiết để thu hút nguồn sinh viên chất lượng cho lĩnh vực này.

Và năm 2024 này, trường đã xây dựng đề án mở thí điểm đào tạo ngành Thiết kế vi mạch bậc ĐH với 150 chỉ tiêu và mở ngành Kỹ thuật máy tính bậc thạc sĩ có chuyên ngành Thiết kế vi mạch.

Tương tự, trong đề án tuyển sinh dự kiến năm nay, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự kiến mở bốn ngành mới gồm thiết kế vi mạch, kinh tế xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng, khoa học dữ liệu.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, cho biết trường dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế vi mạch theo hướng chuyên sâu hoàn chỉnh nhưng thực tế trường đã đào tạo ở chuyên ngành hẹp này hơn 15 năm.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, ngành này phù hợp cho những thí sinh có thế mạnh ở các môn khoa học tự nhiên và có niềm yêu thích lĩnh vực điện điện tử và máy tính nói chung. Đồng thời, với ngành học mới, thí sinh cần đam mê và có quyết tâm theo đuổi, không ngừng tìm tòi và học hỏi. Nếu các em có thêm tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn vì nhiều giáo trình giảng dạy được nhập từ nước ngoài.

Thiết kế vi mạch tuyển sinh năm 2024
Hoạt động nghiên cứu ở phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NTCC

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch và ngành Khoa học Công nghệ bán dẫn.

Trên nền tảng cơ sở vật chất và nguồn lực có sẵn, nhà trường đã xây dựng đề án đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại, tăng cường đội ngũ chuyên gia và đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp. Ngoài ra, Trường tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo đại học có tăng cường tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Trường ĐH Cần Thơ năm nay dự kiến tuyển 90 chỉ tiêu cho chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với hai tổ hợp xét tuyển là A00 và A01.

Chuyên ngành Thiết kế vi mạch cũng được nhiều trường phía Nam mở mới để tuyển sinh từ năm nay như tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai)..

Tương tự, tại miền Trung, các trường ĐH thuộc ĐH Đà Nẵng cũng dự kiến bắt đầu tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch từ năm 2024 này. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) sẽ mở mới chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch với chỉ tiêu dự kiến khoảng 100 sinh viên.

Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn cũng sẽ mở mới chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn với năm đầu là 40 chỉ tiêu. Từ năm 2024 đến năm 2027, trường dự kiến có khoảng 500 chỉ tiêu ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cũng cho biết từ năm nay sẽ tuyển sinh 50 sinh viên đầu tiên cho ngành học này. Trường cũng đang xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và vi mạch bán dẫn.

Ở khu vực phía Bắc, các trường nhóm kỹ thuật, công nghệ cũng đã lên kế hoạch để tuyển sinh ngành hoặc chuyên ngành Thiết kế vi mạch theo hướng chuyên sâu từ năm 2024 này. Cụ thể như ĐH Bách khoa, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội...

Theo kết quả khảo sát của Hội vi mạch TP.HCM từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư tốt nghiệp ngành Thiết kế vi mạch để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp về dịch vụ Thiết kế vi mạch. Trong đó khu vực TP.HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.

Ngoài ra, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, nhân lực ngành Thiết kế vi mạch là một trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 có nhu cầu nhân lực cao nhất, mỗi năm tăng trưởng hơn 15% nhu cầu công việc việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm