Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 17-7 Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Đồng Nai khoá X (nhiệm kỳ 2021-2026), đại biểu Dương Thị Mỹ Châu (Tổ đại biểu đơn vị huyện Nhơn Trạch) chất vấn lãnh đạo tỉnh về hạ tầng giao thông đường bộ, tình trạng ngập cục bộ tại một số tuyến đường.
"UBND tỉnh có giải pháp gì về hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông?"- bà Châu đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh có 18 điểm đen, đến nay đã xử lý được 13 điểm đen, 2 điểm tiềm ẩn và 17 vị trí bất cập về hạ tầng giao thông.
Do áp lực gia tăng dân số và phương tiện tham gia giao thông, hiện nay lưu lượng xe trên các tuyến đường bộ của tỉnh rất lớn. Trong khi đó, tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, gây áp lực đến hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là tại một số nút giao trọng yếu, vào giờ cao điểm làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Tình trạng ngập nước hoặc nước chảy tràn mặt đường khi mưa lớn trên các tuyến đường giao thông vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng đến người và phương tiện khi tham gia giao thông. Có nhiều nguyên nhân gây ngập, trong đó có việc đô thị hóa nhanh; hệ thống thoát nước một số tuyến đường chưa được đầu tư đồng bộ; tình trạng rác thải sinh hoạt chưa được thu gom kịp thời; lấn chiếm dòng chảy…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành trung ương và chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường cao tốc, vành đai, đường tỉnh, huyện để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm góp phần chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện giao thông cho các tuyến đường hiện hữu thường xảy ra ùn ứ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ rà soát, kiến nghị mở rộng các tuyến đường cao tốc hiện hữu. Các nút giao thông trọng yếu thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông, tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp xử lý, khắc phục.
Song song đó, tỉnh cũng sẽ phối hợp với bộ, ngành trung ương phát triển hệ thống đường sắt trên địa bàn tỉnh góp phần chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập nước, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác bảo trì kết nối hạ tầng giao thông đường bộ; thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các tồn tại, bất cập để khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, các địa phương triển khai các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự giao thông, đô thị.
Chỉ đạo UBND các huyện, TP tăng cường tuyên truyền, vận động, phát động phong trào người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc thu gom rác, bỏ rác đúng nơi quy định góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và chống ngập…