Đốt pháo hoa nơi công cộng, coi chừng bị xử lý hình sự

Ngày 3-12, thông tin từ Cổng TTĐT Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an vừa chủ trì cuộc họp với các đơn vị có liên quan để bàn về các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: BCA

Thời gian qua, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép vào Việt Nam. Từ ngày 29-1-2020 đến nay, lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 172 vụ, 222 người, thu hơn 7 tấn pháo các loại.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm về pháo chủ yếu diễn ra vào dịp cuối năm, nguồn pháo được xác định từ nước ngoài thẩm lậu, vận chuyển trái phép qua các tuyến biên giới vào Việt Nam để tiêu thụ.

Cùng với đó, nhận thức của một số người dân về quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, quản lý, sử dụng pháo còn hạn chế, chưa đầy đủ, vi phạm nghiêm trọng tới mức phải khởi tố hình sự.

Cũng theo Bộ Công an, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo. Tại Điều 14 nghị định quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Một điểm đáng lưu ý, trường hợp đốt pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian tới phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quy định của pháp luật liên quan đến pháo; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về pháo.

Thứ trưởng nhấn mạnh Giám đốc Công an các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng sử dụng pháo trái phép diễn ra phức tạp trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ Công an sẽ kéo dài thời gian thực hiện Kế hoạch số 105/KH-BCA về tổng kiểm tra, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến hết ngày 13-3-2021.

Người dân được bắn pháo hoa dịp lễ, tết

Điều 17 Nghị định 137/2020 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Như vậy, kể từ ngày 11-1-2021 (thời điểm nghị định có hiệu lực), người dân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa mà không cần phải xin phép trong các dịp được nêu ở trên.

Lưu ý, nghị định cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm