Năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2,5%

Ngày 2-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 và 11 tháng của năm 2020 về tình hình kinh tế - xã hội.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. “Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta” - ông Dũng nói.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng dịch vẫn diễn biến phức tạp nên sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Sản xuất công nghiệp tăng nhưng chậm lại so với tháng trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao… Đặc biệt, thiên tai, bão lụt đã tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù tháng qua gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng với quyết tâm cao, Chính phủ đã giải quyết công việc kịp thời, đạt nhiều kết quả. Trong đó, một số điểm sáng đáng chú ý như hoạt động kinh tế - xã hội trên đà tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát, sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn…

“Khả năng trong năm nay chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh đến việc thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh.

Trong giải ngân đầu tư công, Thủ tướng cho biết tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ với tốc độ giải ngân trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong năm năm qua, đạt gần 80% kế hoạch năm (tăng trên 34% so với cùng kỳ). Thủ tướng cũng yêu cầu phải cải cách môi trường đầu tư để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI.

Trong tháng còn lại của năm, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bão lũ, sạt lở vừa qua tiếp tục khẩn trương thực hiện các giải pháp mà Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo.

 

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế. Có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến dịch ở các nước, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ việc cách ly. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án để kịp thời nối lại hoạt động thương mại, đầu tư với các quốc gia đã áp dụng vaccine…

Thứ ba, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm; xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thứ tư, đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác...

Thứ năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ từng dự án đầu tư công để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng: Thực hiện tốt “thông điệp 5K”
Thủ tướng: Thực hiện tốt “thông điệp 5K”
(PLO)- “Chúng ta cách ly xã hội với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ. TP.HCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế - xã hội như bình thường” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm