Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chính thức được gỡ vốn đối ứng

(PLO)- Chính phủ đã chính thức đồng ý cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tự cân đối vốn đối ứng để triển khai tiếp dự án Bến Lức – Long Thành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho dự án đường bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành, nhằm tháo gỡ nút thắt vốn đối ứng kéo dài nhiều năm này.

Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dự án Bến Lức - Long Thành thi công nhiều năm vẫn chưa xong. Ảnh: VH

Dự án Bến Lức - Long Thành thi công nhiều năm vẫn chưa xong. Ảnh: VH

Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất. Trong đó, có số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành dự án.

Số tiền 758 tỉ đồng vốn đối ứng còn lại, VEC dự kiến sử dụng 400 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; số tiền còn lại là chi phí thuế và một số chi phí dự phòng khác.

Chính phủ cũng giao VEC cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Từ đó tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Song song đó, chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Dự án Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 30.000 tỉ đồng, phần lớn là vốn vay nước ngoài. Vốn đối ứng trong nước khoảng 5.255 tỉ đồng, trong đó từ năm 2011 đến 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án hơn 3.880 tỉ đồng. Số tiền còn lại là 1.375 tỉ đồng nhưng sau khi được hoàn thuế số tiền ngân sách cần bổ sung còn lại là 758 tỉ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, VEC không còn trực thuộc Bộ GTVT nên dự án bị “cắt” vốn đối ứng khiến công trường bị ngưng trệ.

Để gỡ vướng cho nguồn vốn đối ứng dự án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ phương án bố trí vốn đối ứng cho dự án này.

Qua tổng hợp ý kiến của các cơ quan, Bộ KH&ĐT cho biết Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đều có nhận định chung phương án VEC tự cân đối số vốn đối ứng còn lại của dự án khoảng 758 tỉ đồng là khả thi.

Cạnh đó, VEC khẳng định: “Doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, đảm bảo đủ nguồn lực để tự cân đối được số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 đến khi hoàn thành dự án Bến Lức - Long Thành”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng số tiền nói trên thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Do đó, việc VEC tự bố trí từ nguồn tiền thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp.

Do ý kiến khác nhau, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thời gian dài đối diện với tình cảnh chủ đầu tư có tiền nhưng công trường vẫn không thể thi công, khiến tiến độ dự án liên tục lùi. Mới đây lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát dự án này và họp với các bên liên quan mới gỡ nút thắt trên.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km được khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng nay VEC đề xuất lùi thời gian sang năm 2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm