“Theo Luật Quốc hội và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, việc giao trên 50 ha đất ven biển, hải đảo cho doanh nghiệp (DN) thì phải đưa ra Quốc hội để lấy ý kiến” - kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, khẳng định như trên khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.
Di dời hơn 1.100 dân
Ngày 25-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra thông báo kết luận mới nhất về dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
“Thời gian qua Quảng Ngãi khuyến khích các DN trong và ngoài nước đến khảo sát đầu tư. Việc Tập đoàn FLC đề xuất quy hoạch đầu tư dự án là ý tưởng tốt, nên tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai” - thông báo nêu.
Về quy hoạch dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất phạm vi và phương án quy hoạch dự án này với quy mô 1.243 ha. Trong đó, phía Bắc giáp khu dân cư Thanh Thủy, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp đập Ông Cẩm (xã Bình Hải) và thôn An Phước (xã Bình Hòa), phía Nam giáp thôn Phú Nhiêu (xã Bình Phú, cùng thuộc huyện Bình Sơn). Phần lớn diện tích đề xuất quy hoạch trong phạm vi 1.243 ha nằm trong khu đô thị mới Vạn Tường. Một số vị trí nằm trong phạm vi dự kiến quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn-Bình Châu và vùng phụ cận. “Do vậy cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh hợp lý các quy hoạch này” - thông báo nêu.
Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn giai đoạn 1 sẽ gồm đảo An Bình (đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn) và phần diện tích tiếp giáp biển của ba xã Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa (huyện Bình Sơn). Theo tài liệu mà PV có được, để phục vụ cho dự án, 1.146 hộ dân và hơn 10.000 ngôi mộ sẽ phải di dời. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính 2.740 tỉ đồng.
Bến tàu xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, nơi thuộc dự án du lịch sẽ được đầu tư sắp tới. Ảnh: TẤN VIỆT
Về thông tin 8 km mới làm một lối xuống biển, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho hay đang cùng nhà đầu tư nghiên cứu, bố trí xen kẽ một số tuyến đường ra biển và không gian bờ biển dùng chung cho cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, tiếp cận với biển.
Dù thừa nhận dự án vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng UBND tỉnh Quảng Ngãi lại gấp rút ấn định luôn ngày khởi công dự án là 19-5 tới. Ngoài ra, trong thông báo ngày 18-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay đang xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh để thống nhất ứng trước khoản kinh phí 500 tỉ đồng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.
Theo tin mới nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất không đưa thắng cảnh Gành Yến vào dự án của Tập đoàn FLC. Kết luận nêu rõ cơ quan chức năng cần quy hoạch khu vực này để bảo tồn, chỉnh trang và phát huy giá trị cho phù hợp. |
Có phạm luật?
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm cho rằng những việc làm của chính quyền Quảng Ngãi thời gian qua đang vi phạm về an ninh quốc phòng do việc di dời đồn biên phòng Bình Hải và Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo 2015.
Theo ông Diệm, khi địa phương muốn giao trên 50 ha đất ven biển, hải đảo cho DN thì phải trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Thủ tướng phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. “Quảng Ngãi cần nghiên cứu làm thế nào đừng vi phạm luật này” - ông Diệm nói.
Ngoài ra, ông Diệm cảnh báo dự án có thể vi phạm Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo 2015. Khoản 1 Điều 79 luật này quy định: “Kể từ thời điểm luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ TN&MT cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định”.
Sẽ bố trí một số đường ra biển . Phóng viên: Theo dự án thì 8 km mới có lối mở cho dân xuống biển. Dư luận cho rằng quy định này sẽ bó tay ngư dân ra biển? + Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi: Khu vực dự án hiện có hai khu dân cư là An Cường và Bình Phú với trên 700 hộ dân, đa phần làm nghề trồng hành và đi biển, tuy nhiên hiện khu vực thực hiện dự án chủ yếu là bãi ngang, tàu có công suất nhỏ. Khi di dời sẽ bố trí vị trí phù hợp, có cảng cá tại khu tái định cư để người dân thuận lợi trong lúc hành nghề biển; sẽ xem xét, bố trí một số đường giao thông ra biển (nơi có dân cư) và các khu sinh hoạt công cộng để người dân tiếp cận với biển (sẽ thực hiện khi phê duyệt quy hoạch). . Tại sao lại có việc điều chỉnh vị trí đầu tư xây dựng với đồn biên phòng Bình Hải? + Đồn biên phòng Bình Hải hiện nằm ở vị trí không thuận lợi, sát biển, diện tích hẹp, đường sá đi lại khó khăn, nguồn nước khan hiếm (đây là trụ sở cơ quan làm việc, không phải là đồn quan sát). Dự kiến sau khi có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu- Lý Sơn, nhà đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng điều chỉnh, nếu Bộ Quốc phòng đồng ý thì tỉnh mới thực hiện điều chỉnh cho phù hợp. (Theo VOV) |