GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

'Dự án nhà ở thương mại không phải đối tượng Nhà nước thu hồi đất'

(PLO)- “Nhà ở thương mại không phải là đối tượng Nhà nước sẽ thu hồi đất. Chúng ta ưu tiên cho trường hợp đấu thầu, đấu giá” - theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Năm vấn đề còn phân vân, chưa chọn được phương án

Tại báo cáo đầy đủ dài 413 trang do Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải ký gửi các đại biểu QH hôm 2-11, Ủy ban Thường vụ QH đánh giá tại thời điểm đó, nhiều chính sách quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thiết kế được phương án tối ưu. Mặt khác, trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

du-an-nha-o-thuong-mai-khong-thuoc-doi-tuong-thu-hoi-dat.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Do vậy, phiên họp ngày 16-11, bên cạnh việc cho ý kiến một số nội dung lớn, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu mà chuyển sang kỳ họp gần nhất.

“Đây là dự án luật rất quan trọng, rất hệ trọng nên chúng ta đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Dù dự thảo còn tới 14/26 nội dung vẫn thể hiện hai phương án, tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là “phương án chọn” đều đạt được sự đồng thuận cao. “Chốt” lại, người đứng đầu QH cho hay chỉ còn năm nội dung đã có quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH nhưng Ủy ban Kinh tế là cơ quan thường trực đang còn phân vân, băn khoăn chưa lựa chọn được phương án.

Năm vấn đề này bao gồm: (1) Mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất). (2) Mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất). (3) Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. (4) Về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập. (5) Về tổ chức phát triển quỹ đất.

“Những vấn đề Ủy ban Kinh tế còn phân vân không phải là những vấn đề đại sự mà mang nặng tính kỹ thuật và một số quan điểm. Chúng tôi đánh giá rất cao việc này, thể hiện tinh thần rất thận trọng chứ không phải xuôi chiều” - ông Vương Đình Huệ nhận xét.

Ông đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong báo cáo tiếp thu, giải trình. Những nội dung này vẫn thiết kế thành hai phương án, lập luận rõ ưu điểm của từng phương án để trình ra QH.

“Nhà ở thương mại mà đi thu hồi đất là sai quy định”

Liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho hay ý kiến của các đại biểu QH về nội dung này chưa thống nhất.

Có ý kiến đề nghị đối với những dự án nhà ở thương mại và dự án đô thị, phần diện tích xây dựng nhà ở sẽ do người dân và doanh nghiệp thỏa thuận; còn lại Nhà nước vẫn phải thu hồi đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là các công trình phúc lợi, công cộng khác.

Trên cơ sở các ý kiến, dự thảo luật đang tiếp tục thiết kế hai phương án. Trong đó, phương án 1 quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Chính phủ đang đề xuất theo hướng này.

Còn phương án 2 quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Lý do đề xuất phương án này bởi đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất. Tuy nhiên, các cơ quan chưa thiết kế được nội dung cụ thể theo phương án này.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Thường vụ QH cho ý kiến. Trên cơ sở đó, ủy ban này sẽ phối hợp với Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện nội dung này. Đồng thời, hoàn thiện thêm quy định giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

“Nếu nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp kinh doanh thương mại, tức là có chữ “nhà ở thương mại”, mà lại đi thu hồi đất thì trái với quy định” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói tại phiên họp.

Theo ông Trần Hồng Hà, các ý kiến đã thống nhất về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất; dự thảo đã xây dựng danh mục tiêu chí thu hồi. “Nhà ở thương mại không phải là đối tượng Nhà nước sẽ thu hồi đất. Chúng ta ưu tiên cho trường hợp đấu thầu, đấu giá” - theo ông Hà.

“Cần đối xử bình đẳng”

Liên quan đến việc quy định quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam (VN) định cư ở nước ngoài tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng với người VN định cư ở nước ngoài có quốc tịch VN là công dân VN thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân VN ở trong nước. Đồng thời, giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc VN định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch VN).

Dự thảo luật đang thiết kế hai phương án. Phương án 1 như đề xuất trên của Chính phủ. Phương án 2 giữ như quy định của pháp luật hiện hành: Người VN định cư ở nước ngoài có quốc tịch VN có các quyền sử dụng đất như người VN định cư ở nước ngoài không có quốc tịch VN.

Tại phiên họp, Chủ tịch QH thông tin Đảng đoàn QH thống nhất với Chính phủ, các cơ quan xin ý kiến cũng đều đồng tình với phương án 1.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng người VN định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch VN, tức vẫn là công dân VN thì có đầy đủ quyền, nghĩa vụ về đất đai như công dân VN ở trong nước.

Nếu dự thảo quy định theo hướng này, ông Tùng đánh giá đây là “bước đổi mới rất mạnh mẽ”. Đồng thời cũng là bước thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 36 (về công tác đối với người VN ở nước ngoài) thu hút sự đóng góp của người VN định cư ở nước ngoài, về cả kiều hối và đầu tư, cho phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cũng đánh giá đây là một chủ trương hoàn toàn đúng. “Họ là người VN, còn quốc tịch. Nếu đã là công dân VN, chúng ta cần đối xử bình đẳng” - ông Phương nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm