Dự án tâm linh 15.000 tỉ đồng ở Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)

Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên thông qua chủ trương cho phép Doanh nghiệp (DN) Xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình, từng xây dựng chùa Bái Đính) lập dự án đầu tư Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc. Ngày 17-2, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ động thổ xây dựng siêu dự án này (có tổng mức đầu tư lên tới 15.000 tỉ đồng, thực hiện trong 20 năm).

Không làm sẽ có lỗi với nhân dân

. Phóng viên: Thưa ông, tại sao tỉnh Thái Nguyên lại quyết định triển khai dự án này?

+ Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (ảnh): Thái Nguyên kỳ vọng Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu, từ phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch đến tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp. Xuất phát từ mục tiêu đó, chúng tôi thấy nếu không khơi dậy được tiềm năng của Hồ Núi Cốc là có lỗi với nhân dân.

Khi hoàn thành, Hồ Núi Cốc sẽ trở thành khu du lịch tầm quốc gia của tỉnh Thái Nguyên, kết nối với các khu ATK là Định Hóa, Cao Bằng, Bắc Kạn... thành quần thể khu du lịch, lịch sử văn hóa tâm linh. Phát triển kinh tế cũng là một trong những mục tiêu quan trọng để tỉnh triển khai dự án này. Những năm trước đây đã có rất nhiều chủ trương đầu tư vào khu vực Hồ Núi Cốc và bây giờ chúng tôi chỉ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu kinh tế?

 + Chúng tôi dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc sẽ thu hút khoảng 6,5 triệu du khách/năm. Đây chính là động lực để Thái Nguyên phát triển. Ước tính trong giai đoạn đầu, mỗi năm dự án thu về khoảng 200-300 tỉ đồng, các năm tiếp sau đó phải nhiều hơn. Khu du lịch cũng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 10.000 lao động. Đó chính là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh với các thế mạnh như chè, làng nghề...

. Căn cứ vào đâu để tỉnh đặt ra những mục tiêu đó cho khu du lịch, thưa ông?

+ Kỳ vọng của chúng tôi còn cao hơn thế nữa, số lượng du khách như thế là còn ít, bởi địa danh này kết nối với nhiều địa điểm lịch sử, văn hóa. Chúng tôi từng đến Tây Hồ (Trung Quốc) và thấy nơi đấy chỉ nhỏ bằng 1/3 Hồ Núi Cốc, vậy mà họ thu một năm 2 tỉ USD, lượng khách thì vô kể.

Một góc Hồ Núi Cốc. Ảnh V.THỊNH

Doanh nghiệp góp 10.000 tỉ đồng

. Dự án này dự kiến số tiền đầu tư rất lớn. Vậy kế hoạch bố trí nguồn vốn của tỉnh ra sao?

+ Đây là công trình đa mục tiêu, đa nguồn vốn. Thứ nhất là nguồn vốn của DN. Thứ hai là nguồn vốn của Nhà nước, của tỉnh và cả nguồn vốn của các DN bám theo trục đường quanh Hồ Núi Cốc.

. Cụ thể, trong số vốn dự kiến là 15.000 tỉ đồng của dự án thì tỉ lệ đầu tư của DN và địa phương như thế nào?

+ Nhà đầu tư đã có văn bản cam kết sẽ đầu tư 10.000 tỉ đồng để cùng tỉnh thực hiện dự án này. Số vốn còn lại chúng tôi sẽ cân đối từ nguồn của trung ương (dự kiến 70%) và địa phương (30%) để bồi thường đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng làng văn hóa…

Tất cả DN đến Thái Nguyên đầu tư đều được chúng tôi dang tay đón tiếp. Nhưng nếu họ làm sai pháp luật nhằm đạt được lợi ích riêng thì tỉnh vẫn sẽ cương quyết xử lý. DN Xây dựng Xuân Trường là đơn vị có tâm với tỉnh.

. Xin cám ơn ông.

Khu vực Hồ Núi Cốc có hơn 10 dự án

Theo ông Đoàn Văn Tuấn, tại khu vực Hồ Núi Cốc hiện có hơn 10 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ cách đây năm năm nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Tỉnh đang xem xét đơn vị nào không thực hiện sẽ tiến hành xử phạt và thu hồi dự án theo đúng quy định pháp luật.

Ông Tuấn cũng bác bỏ thông tin về việc tỉnh phá dỡ các công trình của các nhà đầu tư khác đã triển khai từ năm 2011. Tỉnh chỉ mới xử lý một trường hợp do xây dựng lấn xuống lòng Hồ Núi Cốc với số tiền 100 triệu đồng, buộc phá dỡ phần vi phạm.

18.940 ha là diện tích dự án Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc dự kiến triển khai trên địa bàn 10 xã. Khu tâm linh có chùa Tháp cao 150 m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn năm sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; khu làng văn hóa các dân tộc..

Đừng đi vào vết xe đổ

Hy vọng dự án này không bị vướng vào “vết xe” của công trình chùa Bái Đính đã được xây dựng. Nếu xây như chùa Bái Đính, tôi không chấp nhận được. Nó không đúng với tinh thần của truyền thống dân tộc, không đúng với tư cách và tính chất của đạo Phật. Rõ ràng làm to lớn như thế chỉ để khoe mẽ chứ không phải biểu hiện sự tôn trọng.

GS TRẦN LÂM BIỀN, nhà nghiên cứu về di sản, văn hóa

Sẽ thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia

Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. Trước mắt sẽ làm những công trình giao thông ngoại tuyến, tâm điểm là khu tâm linh chùa tháp cao 150 m. Đến năm 2019 thì du khách, Phật tử có thể đến chiêm bái cảnh quan Hồ Núi Cốc. Việc thực hiện dự án không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại đây.

Sau khi hoàn thành, Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử… của khu vực TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Ông ĐỖ THÀNH CHUNG, Phó Giám đốc DN Xuân Trường

Thực sự tâm linh hay là những trò quảng cáo

Gần đây xu hướng du lịch tâm linh rất phát triển. Tuy nhiên, thực sự có yếu tố tâm linh hay chỉ là những trò quảng cáo thì cần phải có những nghiên cứu hết sức thận trọng.

Ông PHAN ĐÌNH TÂN,
Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm