Thái Lan được biết đến là một trong những “thiên đường du lịch” của Đông Nam Á, thu hút đông đảo du khách bởi những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp; hệ thống chùa chiền nguy nga, tráng lệ; rất nhiều những lễ hội truyền thống đặc sắc và vô số các cơ hội mua sắm thỏa thích. Tuy nhiên, nhiều du khách một lần đến đây có khi sẽ quay về với cái lắc đầu đầy cảm thán: “Nào ngờ… khả năng móc tiền đến kinh ngạc của nền công nghiệp du lịch nước này”.
Muốn thông quan: Cho xin 350 baht
Xuôi cung đường từ Siem Riep (Campuchia) sang cửa khẩu Poipet, chúng tôi đặt chân vào đất Thái Lan - “đất nước nụ cười”. Vừa vượt cột mốc biên giới Campuchia, một thanh niên nói được tiếng Thái lẫn tiếng Campuchia tiếp cận, ngỏ ý “thầu” thủ tục nhập cảnh Thái Lan cho chúng tôi.
Trưởng đoàn hướng dẫn của chúng tôi cho hay đây là “cò” hải quan. Nếu muốn thông quan nhanh gọn thì mỗi người chi ra… 350 baht (hơn 230.000 đồng - PV) cho cả hai chiều khứ hồi. Trời nắng nóng cháy da cháy thịt, vốn muốn đi nhanh nhưng ai ấy đều ngán ngẩm lắc đầu vì mức “phí bôi trơn” không phải ít của “bác cò”.
Anh trưởng đoàn kỳ kèo mãi vẫn không được bớt chút đỉnh. Vốn từ lâu nghe tiếng “Thái Lan mến khách du lịch” nên chúng tôi quyết định bỏ mặc “bác cò” rồi kéo vali vào trong làm thủ tục. “Cùng lắm chờ một tiếng như tại cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam - Campuchia) thôi, cần chi tốn cả mớ tiền, để đó sang Thái uống bia” - một thành viên trong đoàn cười đầy lạc quan.
Ngành du lịch Thái Lan rất nổi tiếng với thị trường mua sắm hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm đen” mà du khách cần chú ý. Ảnh minh họa: ĐẠI THẮNG
Nhưng rồi chúng tôi cảm thấy chán ngán khi trước mắt người người lũ lượt đứng ngồi đủ kiểu, nối đuôi nhau tạo thành 5-6 vòng zic zac trước khi đến cửa thủ tục hải quan. Điều lạ lùng là chỉ có một người làm việc, trong khi có đến 4-5 len đường đi để trống. Đã vậy vị này làm thủ tục rất chậm, thỉnh thoảng chạy sang chỗ này, chỗ kia làm việc riêng bất chấp hàng trăm người chờ sốt ruột vì lâu, vì thời tiết nóng.
Chỉ tay về phía len đường trong cùng, anh trưởng đoàn bảo “khách VIP”, nghĩa là người có 350 baht sẽ có hàng riêng, chưa kể cán bộ tiếp dân nhập cảnh cũng cười tươi hơn. Nhiều người nhận ra giá trị của 350 baht sau khi chờ cả tiếng đồng hồ vẫn chưa tiếp cận cán bộ hải quan, đành tìm lại “bác cò”, chuyển sang hàng dành cho “khách VIP”.
Còn những người như chúng tôi thì được nếm mùi chờ đợi mỏi mòn hơn hai tiếng đồng hồ để qua cửa khẩu. Đến lúc này cả bọn chúng tôi nhắc nhau khẩu hiệu du lịch của đất nước này: Thái Lan kỳ diệu luôn làm bạn kinh ngạc (Amazing Thailand Always Amaze You). “Đúng là kinh ngạc!”.
“Tiền nhiều phúc đức mới nhiều”
Chưa hết sốc về cách “làm tiền” ngay tại cơ quan hành chính, bộ mặt của đất nước vốn nổi tiếng với nụ cười thân thiện, chúng tôi lại tiếp tục sốc tập hai với chiêu thức móc hầu bao của du khách cho vô số những hoạt động tín ngưỡng tại các ngôi chùa, đền thờ cúng. Mẫu số chung của việc móc hầu bao khách chính là câu cửa miệng của hướng dẫn viên người Thái “góp nhiều phúc đức nhiều, ít thì phúc đức ít” trên rất nhiều các cung đường xuyên lòng Bangkok.
Thuyền chúng tôi xuôi dòng bờ tây sông Chao Phraya, Thonburi, nơi mà người Thái có tục “cá đi tu”. Cá ở đây chủ yếu là cá tra, với số lượng nhiều đến mức khi chúng nổi lên, nước sông trở nên đen kịt, tung tóe một vùng mạn thuyền. Cá ở đây được người Thái phóng sinh thế nên không ai dám bắt, dám ăn.
“Cho cá nơi này ăn sẽ có phúc. Ai muốn có phúc thì mua ổ bánh mì 20 baht (khoảng 14.000 đồng - tại Việt Nam dưới 5.000 đồng) ném xuống cho cá ăn” - anh chàng hướng dẫn viên người Thái chỉ tay về bầy cá đói đang vùng vẫy như đang gào thét.
Anh hướng dẫn viên nhấn mạnh thêm: “Cho ăn ít thì được phúc đức ít, cho ăn nhiều thì phúc đức nhiều”. Quan trọng là phúc đức của ai người đó hưởng. Ai có bệnh gì trong người, có điều gì khổ tâm, khó xử… cứ cho cá ăn rồi cầu nguyện cho “cá đi tu” mang tất cả xui xẻo về với nước. Thế nên không ít du khách thi nhau bỏ vài chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn để cho cá ăn tạo phúc. Chẳng ai nghĩ rằng “người ăn nhiều hơn cá” khi giá bán bánh mì gấp ba, bốn lần giá thị trường.
Không gian tín ngưỡng ngập mùi… tiền
Thái Lan nổi tiếng với các khu di tích chùa tráng lệ, rộng và đẹp. Nhưng cứ lại gần là… tốn phí. Gần khu vực cho “cá đi tu” ăn, chúng tôi ghé vào thăm ngôi chùa Arun (tên tiếng Việt là chùa Bình Minh), được xem là biểu tượng của du lịch Bangkok với kiến trúc mang đậm phong cách Thái Lan.
Cô giáo trẻ trong đoàn cho hay: “Năm ngoái, tôi ghé đây thì vào cửa miễn phí. Trong đây cũng không có gì ngoài tượng Phật và một cái tháp mang sắc thái người bản địa khá thú vị”. Những công trình kiến trúc chùa chiền thường hạn chế chuyện yêu cầu người tham dự phải đóng phí. Ấy vậy mà năm nay muốn vào cửa thì mỗi du khách phải xì ra 50 baht (hơn 33.000 đồng).
Nhiều ngôi chùa khác còn bày ra đủ loại thủ tục cầu khấn để du khách thỏa sức móc hầu bao. Một nữ hướng dẫn Thái Lan dẫn chúng tôi vào ngôi chùa cách Bảo tàng vua Raman thứ VII chừng năm phút đi bộ. Vượt qua hơn trăm bậc thang, chúng tôi vào trong Phật đường mù mịt khói hương, với sáp đèn cầy và những búp hoa sen dập úa. Vẫn lời dặn quen thuộc của các hướng dẫn viên người Thái: “Đặt nhiều phúc đức nhiều, ít thì phúc đức ít”, vị này hướng dẫn chúng tôi đặt ít nhất 20 baht (14.000 đồng) để tự lấy hai búp sen, vài nén hương và cây nến bé xíu để cầu nguyện phúc lành.
Táo bạo hơn, ngôi chùa thờ tự Sá Lợi Phận (cách chùa Arun khoảng 10 phút đường sông) treo ngập tràn tiền giấy với đủ mệnh giá ngay từ cửa vào. Vỏn vẹn trong một chánh điện tầm trên dưới trăm mét vuông, vô số “dịch vụ tín ngưỡng” diễn ra nhưng người tham gia không được phép quay phim hay chụp ảnh. Tượng Phật nào cũng đính đầy tiền, do chùa lẫn do du khách bốn phương.
Người quản lý nói tiếng Việt rành rọt “mua hoa lễ Phật có phúc đức”, hay “mua đèn cầy lễ Phật để tai qua nạn khỏi”. Quầy hàng dây chuyền, trang sức nhộn nhịp được thuyết minh bằng tiếng Việt: “Mặt dây chuyền Phật bốn mặt chỉ có ở Thái Lan. Người già, trẻ con, thanh niên đều đeo được. Mỗi mặt của tượng Phật mang đến những điềm lành khác nhau, xua đi những xui xẻo khác nhau. Mua dây chuyền rồi sẽ được vị sư tăng niệm thần chú, làm phép, phất nước phép… Người học hành thì thành đạt, người kinh doanh thì thuận lợi, người bệnh tật thì sớm vượt qua”.
Giá các mặt hàng thường “trên trời”, có món 3.000-4.000 baht (2-2,6 triệu đồng). Các món nho nhỏ cũng ngoài 100.000 đến vài trăm ngàn đồng. Ấy vậy mà không ít người được thuyết phục, có người mua đến vài ba triệu đồng về làm quà cho người thân với niềm tin “ba mẹ, ông bà ở nhà sẽ được phúc lành từ tượng Phật chỉ có ở Thái Lan”.
ĐẠI THẮNG (Từ Thái Lan)
Mất tiền vì chụp ảnh với… “gái đẹp” Thái Lan nổi tiếng với những vũ đoàn lớn có dàn diễn viên chuyển đổi giới tính ít khả năng múa hát nhưng giỏi... tạo dáng chụp ảnh và thu tiền khách du lịch. Giá vé đổi lấy sự tò mò của du khách là 400 baht/người (hơn 260.000 đồng) cho một buổi diễn “múa thật nhưng hét nhép” của người chuyển giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh thu thật sự không chỉ nằm ở những buổi diễn không mấy đặc sắc của dàn diễn viên nghiệp dư. Nếu không mang theo tiền, đừng cao hứng chụp ảnh với những “thiên thần… chuyển giới”. Những người chuyển giới rất chuyên nghiệp trong việc câu khách và yêu cầu mỗi du khách trả ngay 60 baht (khoảng 40.000 đồng) cho mỗi lần chụp. Thậm chí diễn viên chuyển đổi giới tính ở Thái Lan không ngần ngại trút bỏ xiêm y để mồi chài cho những bức ảnh “thiếu vải” với du khách. Đổi lại họ phải nhận được từ những vị khách tò mò 100-200 baht (70.000-130.000 đồng) cho mỗi lần như thế. Wi-Fi miễn phí là chuyện viển vông Đến Bangkok, điều khiến nhiều du khách khó chịu nhất chính là việc không có mạng Wi-Fi miễn phí. Người hướng dẫn bản xứ cho hay: “Tất cả đều được quy ra tiền”. Có khách sạn cao cấp bốn sao vẫn thu phí 150 baht/giờ sử dụng (gần 100.000 đồng). |