Hàng loạt công ty du lịch đã ồ ạt tung ra các tour du lịch ăn theo phim Kong: Skull Island, đưa du khách khám phá các địa danh của Việt Nam xuất hiện trên phim. Lượng khách đến các địa danh này cũng tăng vọt sau khi phim Kong được công chiếu.
Nở rộ tour Kong
Ông Đặng Đông Hà, Phó Chủ tịch Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết quý I-2017 lượng khách đến Quảng Bình đạt hơn 600.000 lượt khách, tăng 20%-30% so với cùng kỳ. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang tạo điều kiện cho một số đơn vị lữ hành như Oxalis xây dựng các tour tham quan phim trường tự nhiên kết hợp tham quan các điểm xung quanh như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
“Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với huyện Minh Hóa, một trong những phim trường trong phim Kong hướng dẫn cho người dân cách phục vụ tốt nhất cho du khách khi đến đây” - ông Hà cho hay.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Vietravel, cho biết đã tung ra tour “Theo dấu chân Kong”. Trong đó có hai sản phẩm tour bốn ngày giá từ 6,6 triệu đồng và 9,6 triệu đồng tùy vào các điểm đến.
“Du khách quan tâm đến tour “Theo dấu chân Kong” khá nhiều. Dự kiến chúng tôi sẽ phục vụ mỗi tuần/đoàn, với số lượng khách khoảng 20-25 khách/đoàn. Công ty cũng đã có kế hoạch đưa vào khai thác tour này vào dịp lễ 30-4 để du khách có thêm sự lựa chọn trong kỳ nghỉ lễ của mình” - bà Hương chia sẻ.
Không đứng ngoài cuộc, đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt thông tin vừa tung tour “Đảo đầu lâu khám phá vùng đất vua Kong từ Sài Gòn”, khởi hành vào tháng 4 và 5.
Đại diện Công ty Du lịch Việt nhận định: “Từ khi phim Kong chiếu ở Việt Nam, dù là mùa thấp điểm nhưng lượng khách đăng ký tour này tăng 30% so với bình thường. Dự đoán vào cao điểm lượng khách sẽ còn tăng cao hơn”.
Du khách háo hức muốn khám phá một trong các địa danh của Việt Nam xuất hiện trên phim Kong. Ảnh: TU
Đừng để khách một đi không trở lại
Việc chớp cơ hội trong kinh doanh từ hiệu ứng phim Kong là điều không ai bàn cãi. Nhưng nếu không chú ý đến sự bền vững trong cách làm, cách khai thác có khi sẽ phản tác dụng. Hơn nữa, nếu du lịch Việt chỉ trông chờ vào chú khỉ Kong có lẽ sẽ hơi khó để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Vậy làm sao để phát triển bền vững, tránh tình trạng ăn xổi? Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet, chia sẻ trong ba địa phương được chọn làm bối cảnh trong bộ phim Kong thì Quảng Bình đang tích cực nhất trong việc phục dựng một phần của phim trường thu hút khách du lịch.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng là không nên lợi dụng việc nổi tiếng từ sự kiện này để nâng giá, “chặt chém”. Nếu làm như vậy hoặc không có sự đầu tư xứng đáng với đồng tiền mà khách du lịch bỏ ra sẽ tạo hiệu ứng ngược. Nói nôm na là cần chú ý chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và quảng bá để tạo sức hút cho điểm đến về lâu dài” - ông Đạt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt, cho rằng Nhà nước cần nâng cao vai trò quản lý trong việc kiểm soát giá cả lẫn chất lượng dịch vụ tại các điểm đến. Qua đó nhằm mang đến sự hài lòng cho du khách và họ còn tin tưởng để giới thiệu người khác đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước để đưa khách đến. Những địa danh được nhắc đến trong phim cũng phải được đầu tư tốt hơn về cơ sở hạ tầng, đường sá, dịch vụ để đảm bảo du khách được phục vụ tốt nhất. Nếu để du khách đến mà không đáp ứng được nhu cầu sẽ khiến họ thất vọng, một đi không trở lại.
Anh Nguyễn Minh Quân, nhà ở quận 3, TP.HCM, một người thích đi phượt, nhận xét phim Kong được công chiếu với những cảnh quay tuyệt vời. Cảnh trên phim và ngoài đời thật y chang, hầu như không thêm bớt gì nhiều. Rất đáng cho những ai muốn khám phá thiên nhiên Việt Nam đi đến những điểm trên.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại khi khách đến ồ ạt có thể làm cho ngành du lịch địa phương không kịp trở tay. Thậm chí không loại trừ khả năng một số đối tượng lợi dụng tình hình này để làm ăn kiểu chụp giật, “chặt chém”… Như vậy thì khó mà vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi và du lịch sẽ thua ngay từ lúc mới bắt đầu.
“Thực tế du lịch Việt từng có nhiều cơ hội tốt để khai thác và phát triển. Điển hình như hang Sơn Đoòng lên truyền hình Mỹ, Tổng thống Clinton sang ăn phở hay Tổng thống Obama ăn bún chả ở Hà Nội. Đáng tiếc là dường như các cơ hội ấy cứ đến rồi… lại ra đi” - anh Hùng ở TP.HCM, một người thường xuyên đi du lịch, nói.
“Theo dấu chân Kong” đến Đức, Anh Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Vietravel, chia sẻ thời gian qua các công ty du lịch đã thực hiện một số chương trình quảng bá, đặc biệt là các bộ sản phẩm chuyên về Ninh Bình, Quảng Bình, Hạ Long. Chẳng hạn ngay từ năm 2016, Vietravel đã xây dựng bộ sản phẩm “Theo dấu chân Kong” để giới thiệu đến du khách quốc tế trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế WTM tại Anh và ITB tại Đức vào tháng 3-2017. Tuy nhiên, đây chỉ là một số chương trình riêng của các doanh nghiệp nên mức độ lan tỏa không lớn. Do đó, Nhà nước cần phải có các chiến dịch quảng bá với sự tham gia của các đơn vị du lịch để thực sự tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. “Nếu đầu tư xứng đáng và đúng cách, du lịch Việt Nam sẽ là điểm đến mới thu hút du khách quốc tế trong khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần” - bà Hương tự tin. Lấy nụ cười làm “vũ khí” cạnh tranh Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng một điểm du lịch có ý nghĩa không chỉ đáng đến lần đầu, mà còn phải để lại ấn tượng tốt cho du khách để họ ghé thăm lần sau và giới thiệu những người khác cùng đến thăm. Để đạt mục tiêu này, nhiều việc có thể làm ngay, không tốn nhiều tiền nhằm nâng cao sự thiện cảm, sự hài lòng của du khách. Ví dụ thay đổi thái độ và tinh thần phục vụ. Bởi tinh thần thân thiện, thái độ cởi mở là một trong những chìa khóa mời khách vào, tức “lấy nụ cười làm vũ khí cạnh tranh”. Đồng thời bảo đảm an toàn cho du khách như không bị cướp giật, móc túi, chèo kéo, đeo bám. |