Dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản

(PLO)- Lợi dụng công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong tuần qua (21-10 – 27-10) ở nước ta xuất hiện các hình thức về lừa đảo trực tuyến.

Sau đây là một số hình thức lừa đảo mà bạn đọc cần tránh

Lừa đảo từ thiện, kêu gọi quyên góp ủng hộ

Lợi dụng vụ cháy chùa Vạn Phật (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vào chiều 22-9, một số kẻ lừa đảo đã lập các trang Facebook mang tên chùa để kêu gọi quyên góp tiền nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Sau vụ cháy chùa Vạn Phật gây thiệt hại lớn vào chiều 22-9, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một số trang giả mạo chùa để kêu gọi quyên góp.

Một số kẻ lừa đảo đã lập các trang Facebook mang tên chùa để kêu gọi quyên góp tiền nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Chùa Vạn Phật đã ra thông báo về việc không có bất cứ lời kêu gọi đóng góp nào qua mạng xã hội. Tuy nhiên, ngày 22-10, trên mạng xã hội Facebook tiếp tục xuất hiện một trang có tên “Chùa Vạn Phật” để kêu gọi quyên góp với thủ đoạn rất tinh vi.

Theo đó, trang này có ảnh đại diện và ảnh bìa giống hoàn toàn với trang chính thức của chùa Vạn Phật, dễ gây hiểu nhầm với người xem. Trang này có 8,1 ngàn lượt thích, 9,2 ngàn lượt bình luận, được thành lập ngày 9-6-2024.

Trên giao diện chính của trang, đối tượng lừa đảo đã tải nhiều hình ảnh, video, hoạt động của trang thật để tạo niềm tin cho người xem, thậm chí còn chạy quảng cáo trên Facebook để tiếp cận được nhiều người và đã nhận được sự tương tác khá lớn.

Đặc biệt, trong ngày 22-10, các đối tượng lừa đảo đã đăng tải bài viết với nội dung kêu gọi ủng hộ xây dựng chánh điện. Các đối tượng còn nêu rõ: “Đây là tài khoản duy nhất dành riêng cho chương trình thiện nguyện của nhà chùa do Đại đức Thích Đồng Giải quản lý và thống kê minh bạch”.

Tuy nhiên, các đối tượng lại đưa ra số tài khoản tại Ngân hàng Quốc tế VIB, chủ tài khoản có tên Hà Huy Hoàng. Sau khi trang Facebook này thành lập, một số người phát hiện là trang lừa đảo đã vào bình luận nhưng bị các đối tượng xóa bình luận và chặn không cho truy cập.

Dùng app ngân hàng giả để chiếm đoạt tài sản

Lợi dụng công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn chung của đối tượng lừa đảo chiêu trò trên thường là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán.

Sau đó, tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức (chạy quảng cáo, phát tán tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân…) nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và thực hiện kịch bản lừa đảo.

Các đối tượng lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Kịch bản lừa đảo của đối tượng thường liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người dân như: mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản…

Sau đó các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.

Đáng chú ý là hiện tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt app giả mạo trên điện thoại. Các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin rồi thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Lừa đảo 'tư vấn sức khỏe' trên mạng xã hội

Hiện nay tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình có thể kể đến là tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín “tư vấn sức khỏe”, hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, bà D.N.L (55 tuổi, TP.HCM) bị bệnh xương khớp lâu năm nên có tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe để giao lưu cũng như chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh của mình.

Theo Cục ATTT, tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi. Ảnh: Cục ATTT.

Thời gian gần đây trên nhóm có đăng một số bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu quả. Thấy có khuyến mãi nên bà đã mua về sử dụng và được gửi ngay sau đó. Khi nhận sản phẩm, nhận thấy thuốc hơi khác, bà có đến phòng mạch để hỏi bác sĩ thì bác sĩ tư vấn là thuốc này hoàn toàn không có trị bệnh khớp.

Thủ đoạn chung của các đối tượng trên là tạo lập các Fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia.

Ban đầu, các đối tượng mời tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị.

Tại đây, các đối tượng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục.

Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới