Xoay quanh câu chuyện củaNhững kẻ lắm lời - Bitches in Town (phát hành qua YouTube) bình phẩm, chê bai, cười cợt người khác, ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia về truyền thông và marketing - Tổng Giám đốcTập đoàn Truyền thông Lê, cho rằng một chương trình dù phát hành ở đâu cũng phải rõ ràng mục đích làm gì, phục vụ cho ai. Nếu chương trình có lợi ích tích cực cho một cộng đồng thì nó mới có lý do tồn tại.
“Tôi không ủng hộ việc câu view bằng cách nhục mạ người khác bởi nó không phù hợp với đạo đức Việt Nam. Ngay trong các chương trình lá cải trên thế giới, yếu tố tôn trọng phẩm giá con người vẫn là tiên quyết” - ông Vinh nói.
Thực tế, các chương trình phát hành qua YouTube sống bằng số lượt xem (view), lượt theo dõi (subscribe). Hai con số này cao đồng nghĩa với quảng cáo sẽ nhảy vào nhiều. Vì thế, nhiều chương trình trên YouTube sẽ làm mọi cách để đạt được view và subscribe. Thế nhưng, view và subscribe có phải là tối thượng để bất chấp mọi thứ hay không?
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hữu Vinh Hạnh, đại diện Pops Worldwide, đối tác của Youtube tại Việt Nam, cho biết: “Có hai khía cạnh cần lưu ý khi nói đến lượt xem của một video. Đó là về kỹ thuật và nội dung. Về kỹ thuật nếu người đăng video dùng mánh khoé để có view theo kiểu đặt tên clip nghe thật kêu, để hình đại diện của clip bằng ảnh nóng… nhằm mục đích lừa người dùng click vào clip nhưng khi người xem click vào với nội dung không liên quan thì clip đó vẫn chỉ được tính là nội dung không hấp dẫn.
Về nội dung, nhiều clip làm nội dung gây sốc, phản cảm nhưng gây sốc hay phản cảm đều là con dao hai lưỡi. Người đăng tải có thể đạt được view bằng việc phản cảm nhưng họ sẽ chỉ đạt được một lần và có khả năng họ sẽ mất người xem mãi mãi. Quan trọng hơn là hình ảnh và danh tiếng của kênh giải trí cũng như nhà sáng tạo nội dung sẽ ảnh hưởng như thế nào. Cái đó người sáng tạo nội dung phải thực sự cân nhắc!”.