Tiếc thay nhiều người đang hào hứng cãi vã theo hướng chia rẽ, khích bác nhau hơn là tiếp nhận ý kiến của ai đó với tinh thần cầu thị.
Trung tuần tháng 6-2015, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, đã bị cư dân mạng ném đá không thương tiếc vì một link bài trên báo điện tử được chia sẻ trên Facebook. Nhiều người vội vã chửi bới sau khi đọc qua tựa bài dễ bị hiểu sai lệch rằng nhân vật nêu trên đề nghị tổ chức thi đầu ra cho bậc đại học.
Câu like... bỏ bóng đá người
Sự thật là ông Nam đưa vấn đề ra để mọi người tranh luận về việc đánh giá chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Trên Facebook cá nhân, TS Giáp Văn Dương chia sẻ rằng việc một tờ báo đưa ý kiến của chuyên gia với mục đích giật tít câu view thường khiến tác giả bị ném đá do thông tin bị đám đông hiểu sai lệch. Hậu quả là những chuyên gia khả tín sẽ lánh đi, những vấn đề cần bàn thảo nghiêm túc không được giải quyết, chỉ còn lại một bãi rác truyền thông trên mạng xã hội.
Cùng thời điểm, dễ nhận thấy cộng đồng mạng có thể bị chia rẽ trong mọi vấn đề: Có nên để huấn luyện viên Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam; chất lượng của những chiếc máy Bphone đầu tiên đến tay người dùng; Hà Nội truy tìm người để nguyên bầu cây khi trồng trên phố… Trong mọi vấn đề, dường như không ai chịu ai, mỗi người đều chủ quan áp đặt ý kiến cá nhân của mình lên người khác và sẵn sàng lên án những ai có suy nghĩ khác với họ. Đáng lo ngại, thay vì nhìn vào trọng tâm của vấn đề đang cần tranh luận, người ta có khuynh hướng “chặt chém” nhau về xuất thân, vùng miền, học vị... Có lẽ vì thế mà ông Giáp Văn Dương tỏ vẻ khá bi quan: “Đến một ngưỡng nào đó, sẽ có cảm giác xã hội này chỉ là một đám giật gân đồng bóng”.
“Xã hội tham gia”
Ở chiều ngược lại, trên mạng xã hội, Nguyễn Quốc Vương - một giáo viên trẻ đang định cư tại Nhật vừa đưa ra khái niệm “xã hội tham gia”. Nói nôm na là người dân sẽ không chỉ thông qua “đại diện” mà trực tiếp tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội kể cả quản trị. Người dân có quyền lên tiếng bàn luận về những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của mọi người như giáo dục, chính sách an sinh xã hội, việc triển khai các loại thuế phí mới… Đương nhiên trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội, rất cần có tiếng nói của các nhà chuyên môn nếu không sẽ có nguy cơ rơi vào phong trào “toàn dân làm gang thép”. Anh Quốc Vương cho rằng sự lo ngại “bách gia tranh minh” sẽ dẫn đến không biết đâu là… chân lý thực ra là “lo bò trắng răng”. Vị giáo viên nêu trên còn lạc quan rằng các cuộc tranh luận trên mạng xã hội tại Việt Nam rồi đây sẽ hình thành “đại hội võ lâm” giống cuộc đăng đàn diễn thuyết đồng thời của tám nhà giáo dục về tám trường phái-tư tưởng giáo dục do họ chủ trương vào thời kỳ Taisho (1912-1926) ở nước Nhật.
Tất nhiên, để có được viễn cảnh tranh luận cởi mở, tạo tiền đề cho việc cải tiến chính sách, mỗi người trong chúng ta cần nhìn lại xem mình đã có khi nào “bỏ bóng đá người” trong các cuộc khẩu chiến trên mạng hay chưa. Ai cũng biết tranh luận để góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ thì khó, chứ công kích, chụp mũ nhau nhằm kéo lùi mọi thứ thì quá dễ.
Về lâu dài, có lẽ cơ quan chức năng nên tính đến việc loại bỏ lực lượng dư luận viên vốn hay gây ra những hiềm khích nhắm vào những người nêu ý kiến cải cách ôn hòa trên mạng xã hội và chụp mũ họ là “phản động”. Thay vì giúp tạo dựng hình ảnh đẹp của chính quyền, sự tồn tại của các dư luận viên trong thời gian qua càng khoét sâu những rạn nứt giữa người Việt của hai ý thức hệ khác nhau vốn chưa được hàn gắn đúng mức.